Sấm Giảng Giáo Lý PGHH

Quyển Nhứt Đến Quyển Sáu

PHẬT GIÁO HÒA HẢO

  SẤM GIẢNG GIÁO LÝ

CỦA ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ

PHIÊN BẢN 2023

--------



MỤC LỤC 


VÀI NÉT VỀ ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ 3

KHẢI NGÔN 10

THAY LỜI TỰA (SỨ MẠNG CỦA ÐỨC THẦY) 27

PHẦN THỨ NHỨT: SẤM GIẢNG GIÁO LÝ 30

QUYỂN NHỨT: Khuyên Người Đời Tu Niệm 30

QUYỂN NHÌ: Kệ Dân Của Người Khùng 61

QUYỂN  BA: SÁM GIẢNG 77

QUYỂN TƯ: GIÁC MÊ TÂM KỆ 98

QUYỂN NĂM: KHUYẾN THIỆN 126

QUYỂN SÁU: CÁCH TU HIỀN VÀ SỰ ĂN Ở CỦA MỘT NGƯỜI BỔN ĐẠO 152

LỜI NÓI ÐẦU 153

NHỮNG ĐIỀU SƠ LƯỢC CẦN BIẾT CỦA KẺ TU HIỀN 154

LUẬN VỀ TAM NGHIỆP 161

LUẬN VỀ BÁT CHÁNH 169

CÁCH THỜ PHƯỢNG, HÀNH LỄ VÀ SỰ ĂN Ở CỦA MỘT TÍN ÐỒ P.G.H.H. 176

CÁCH CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI CHẾT 179

NHỮNG ĐIỀU PHẢI TRÁNH HẲN HOẶC ĐƯỢC CHÂM CHẾ HOẶC NÊN LÀM 180

SỰ CÚNG LẠY CỦA NGƯỜI CƯ SĨ TẠI GIA 185

LỜI KHUYÊN BỔN ĐẠO (Tám Ðiều Răn Cấm) 188



VÀI NÉT VỀ ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ

 

Người sáng lập Đạo Phật Giáo Hòa Hảo là Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ. Sanh ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi (1919) tại làng Hòa Hảo, tỉnh Châu Đốc, một tỉnh xa xôi giáp biên thùy Việt Miên thuộc miền nam Việt Nam.

Ngài là trưởng nam của Đức Ông Huỳnh Công Bộ và Đức Bà Lê Thị Nhậm; một gia đình trung lưu, phúc hậu và nhiều uy tín với nhân dân địa phương.

Thuở nhỏ, vừa học đến hết bậc tiểu học thì đau ốm liên miên, nên Ngài phải rời nhà trường về dưỡng bịnh. Từ 15 đến 21 tuổi, Ngài không lúc nào dứt được cơn đau và không một lương y nào trị được.

Năm 1939, sau khi hướng dẫn thân phụ đi viếng các am động miền Thất sơn và núi Tà lơn   những núi non được nổi tiếng linh thiêng hùng vĩ   Ngài tỏ ra đại ngộ. Ngày 18 tháng 5 Kỷ Mão 1939 Ngài chính thức mở Đạo. Bắt đầu là công việc chữa bịnh. Ngài chữa lành được các chứng hiểm nghèo với phương pháp thật giản đơn là chỉ dùng lá cây, nước lã, giấy vàng, khiến cho các Bác sĩ Tây y, các dược sư Đông y lẫn các danh gia phù thủy đều phải kinh dị.

Song song với việc chữa bịnh, Ngài thuyết pháp thao thao bất tuyệt. Nhiều thi sĩ văn gia hoặc luật gia nghe tiếng, đến chất vấn, đều phải nhận Ngài là một bậc siêu phàm.

Cũng từ năm 1939, Ngài sáng tác thật nhiều kệ giảng, nội dung tiên tri chiến cuộc sẽ tràn lan, nhân loại sẽ điêu linh và kêu gọi mọi người nên bỏ dữ về lành, thực hành tứ ân, trau giồi thiền tịnh để trở thành thiện nhân trong xã hội và tiến đến sự nhập diệu cõi đạo.

Nhìn qua công đức giảng dân cứu chúng, người ta thấy Ngài chữa được hằng vạn chứng hiểm nghèo, thuyết Pháp hằng ngàn lần trước đại đa thính chúng và sáng tác sáu quyển  Kệ Giảng cùng với hằng trăm bài thi ca, văn, chú có giá trị siêu việt.

Văn chương của Ngài cực kỳ bình dân nhưng rất hàm súc hấp dẫn. Ngài viết không cần giấy nháp.

Giáo Pháp của Đức Giáo Chủ tuy cao siêu nhưng không kém phần thực tế, có thể áp dụng cho bất cứ nơi nào trên thế gian. Ngài là một nhà đại cách mạng tôn giáo. Vì trước khi Ngài ra đời, Đạo Phật Việt Nam bị đình đốn sai lạc, và Đạo Phật Thế giới chưa nói tới việc canh tân. Ngài đã cắt bỏ tất cả những nghi lễ phiền toái mà nguyên căn không phải của Đức Thích Ca chủ trương, đồng thời còn canh tân nhiều điểm trong phương pháp thực hành đạo Phật mà trước kia không hề có.

Nhờ Giáo Pháp thích thời đó nên chỉ trong một thời gian ngắn, Ngài thu phục được hai triệu tín đồ tại miền Nam Việt Nam và ảnh hưởng mỗi lúc càng lan rộng thêm ra.

Vì Ngài được thiên hạ quá hoan nghinh nên nhà đương cuộc bắt đầu để ý đến sự bành trướng dị thường của phong trào tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo, nên một biện pháp chánh trị  đã được đem ra thi hành và Ngài phải bị quản thúc tại làng Nhơn Nghĩa (Cần thơ).

Ở đây, Ngài lại được người ta tôn sùng hơn trước nữa, làm cho nhà cầm quyền phải đem Ngài an trí tại nhà thương Chợ Quán. Sau đó, Ngài lại bị dời về Bạc Liêu đến năm 1942.

Khi người Nhựt nhúng tay vào thời cuộc Đông dương trong hồi thế giới chiến tranh kỳ nhì, họ cưởng bách đem Ngài về Sài Gòn thì Ngài buộc lòng tá túc tại cơ sở Hiến binh Nhựt để chờ đợi thời cơ thuận tiện ra gánh vát việc nước nhà. Khi đó Ngài có làm câu đối để diễn tả hoàn cảnh của mình :

« Trương Tiên qui Hớn phi thần Hớn

Quan đế cư Tào bất đê Tào »

Sở dĩ người Nhựt muốn thi ân với Ngài là vì họ muốn gây cảm tình với khối tín đồ khổng lồ của Ngài để sau nầy có thể lợi dụng. Nhưng đã là một người sáng suốt thì Ngài đâu có để cho bọn Nhựt lôi cuốn trong việc chuẩn bị của họ chống Đồng minh.

Sau cuộc đảo chánh mùng 9 tháng 3 dương lịch 1945, Ngài giữ một thái độ hết sức dè dặt vì Ngài biết chắc chắn rằng người Nhựt thế nào cũng thất trận. Lúc đó, Ngài nói một lời tiên tri rất hài hước « Nhật bổn ăn không hết con gà ». Mà thiệt vậy! Vì năm Dậu (con gà) mà cũng là năm 1945 chưa hết, thì số phận nước Nhựt đã được định đoạt.

Năm 1945, «Vì lòng từ ái chứa chan, thương bá tánh đến hồi tai họa», nên Ngài đứng ra bảo vệ quốc gia và cứu nguy dân chúng. Ngài từng thành lập Phật Giáo Liên Hiệp Hội để đoàn kết đạo Phật, và Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội để vận động cuộc độc lập nước nhà.

Sau khi Nhựt Hoàng đầu hàng Đồng minh không điều kiện, nước Việt Nam phải sống một thời kỳ bất định, Đồng bào Việt Nam đương lo sợ cảnh dịch chủ tái nô, Đức Huỳnh giáo Chủ liền hiệp với các lãnh tụ đảng phái và tôn giáo để thành lập Mặt trận Quốc gia thống nhứt hầu lên tiếng với ngoại bang. Mặt trận này lại xáp nhập vào mặt trận Việt Minh mà chính Đức Huỳnh Giáo Chủ là vị đại diện đầu tiên ở Nam Việt. Sau sự thất sách của Hồ chí Minh với Hiệp ước mùng 6 tháng 3 năm 1946, tạo cơ hội thuận tiện cho thực dân trở lại, Đức Huỳnh Giáo Chủ liên kết với các lãnh tụ quốc gia để thành lập Mặt trận quốc gia liên hiệp.

Mặt trận nầy được quần chúng nhiệt liệt hoan nghinh nên lại bị Việt minh giở ngón độc tài giải tán. Họ liền thành lập Liên Hiệp quốc dân Việt Nam Hội để che đậy màu sắc đỏ của đệ tam quốc tế và để làm cho quần chúng quên cái dĩ vãng đẫm máu của các tướng Cộng sản hồi cuối năm 1945.

Năm 1946, vì muốn gây cuộc đoàn kết giữa các tầng lớp đồng bào, Ngài ưng thuận tham gia ủy ban hành chánh với trách vụ Ủy viên đặc biệt.

Ngài liên kết các chiến sĩ quốc  gia với khối tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo để thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng (21-9-46), với chủ trương công bằng xã hội và  dân chủ hóa nước Việt Nam. Ngài chẳng những là một nhà cách mạng tôn giáo anh minh mà còn là một nhà lãnh tụ chánh trị đa tài. Đọc Tuyên ngôn, Chương trình của Đảng Dân Xã do Ngài đưa ra, dù cho đối phương hay những người khó tánh, đều phải công nhận Ngài có một bộ óc cải tiến vượt bực và nhận định sáng suốt phi thường.

Đồng thời, Ngài cũng gởi người ra hải ngoại, đoàn kết với các nhà cách mạng quốc gia lưu vong để thành lập Mặt Trận Thống Nhứt Toàn quốc. Giải pháp quốc gia cũng do công trình của Ngài và các nhà cách mạng xuất dương mà thực hiện đến ngày nay.

Bởi đường lối của Ngài trái ngược với chủ trương Cộng sản và bởi Giáo thuyết của Ngài có thể gây đổ vỡ cho chủ nghĩa vô thần, Cộng sản đã tìm mọi cách làm hại Ngài, nhưng họ đều không làm gì Ngài được.

Đầu năm 1947, các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ở miền Tây chống lại chủ trương độc đoán của các Ủy Ban Việt Minh vì họ áp dụng chính sách độc tài trong sự tổ chức và cai trị quần chúng. Muốn tránh cuộc cốt nhục tương tàn, Đức Huỳnh giáo Chủ về miền Tây Nam Việt với hảo ý trấn tĩnh lòng phẩn nộ của tín đồ P. G. H. H. và để giảng hòa hầu đoàn kết chống thực dân cho hiệu lực. Nhưng ngày 16-4-47, Ủy Ban Hành Chánh Việt Minh âm mưu hảm hại Ngài tại Đốc Vàng (vùng Đồng Tháp).

Từ đó không ai rõ tin tức chi về Đức Huỳnh Giáo Chủ, nhưng toàn thể tín đồ của Ngài không ai tin rằng Việt cộng có thể làm hại Ngài được. Và muôn người như một, đang mong đợi một ngày về trong sứ mạng vinh quang nhất của Ngài.

Quyển sách Cách Tu Hiền sau đây là một trong nhiều tác phẩm của Ngài, đã được tái bản trên 300 lần với ấn lượng trên 800.000 quyển bằng tiếng Việt Nam. Nó ngắn gọn nhưng đủ, rõ những điều cần thiết trong nghi thức tu hành theo Đạo Phật Giáo Hòa Hảo.

Thánh địa Hòa Hảo, ngày 1-1-1966,

Ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương, Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo 

Nhiệm kỳ I, 1964-1966

                                          Kính đề




KHẢI NGÔN

      Từ tháng 5 năm Kỷ Mảo 1939, sau khi mở Ðạo, Ðức Giáo Chủ đứng ra chữa bịnh độ đời. Tuy Ngài không có để tâm nghiên cứu Ðông y cũng như chẳng hề học Lỗ ban phù thủy, nhưng bằng phương pháp chữa trị thật giản đơn như giấy vàng, nước lã, lá xoài, lá ổi, lá bưởi, lá mít, bông trang, mà trị được hằng vạn chứng hiểm nghèo như bịnh tà, bịnh suyễn, bịnh phong, bịnh dịch, bịnh dư ruột, v.v... cho nên quần chúng ngưỡng mộ, theo về tấp nập. Người ta do đó mà bắt đầu tin tưởng Phật Trời, nghe Pháp và quy y.

      Ðồng thời với công việc chữa bịnh, Ðức Giáo Chủ đứng ra thuyết pháp để truyền giáo. Lời giảng của Ngài thao thao bất tuyệt suốt cả ngày đêm. Nhiều thi sĩ, văn gia hoặc luật sư bác sĩ đến chất vấn, bắt bẻ, đều nhận Ngài là bậc đại giác đại ngộ, không thể suy bì. Ai đã từng dõi gót theo Ngài trong cuộc khuyến nông năm 1945, trong vòng 2 tháng với không biết bao nhiêu lý luận khác nhau, đều phải công nhận Ngài là bậc «mồm sông bút sấm»…

*

      Những cuộc thuyết pháp nói chung, nếu cộng với 107 lần chu du khuyến nông vừa kể, chúng ta có thể nói Ngài đã trải qua một ngàn lần khuyến thuyết quan trọng với hằng ngàn đề tài khác biệt.

      Nhờ những cuộc thuyết pháp như trên, người mộ đạo quy căn, ngày càng đông thêm không xiết nói.

      Nhưng công đức vĩ đại nhất của Ðức Giáo Chủ trong việc truyền giáo là việc viết ra Kệ Giảng. Nhờ những Kệ Giảng đó mới được phổ truyền một cách sâu rộng chủ trương canh tân Phật Giáo của Ngài, và nhờ đó mà hằng triệu người ngộ đạo đã quay về với chân tính, tự tâm.

 

      Nếu kiểm điểm lại con số Kệ Giảng đã ấn loát và phát hành từ năm 1939 đến nay, ta sẽ phải ngạc nhiên chẳng ít, sách đã được tái bản trên 300 lần và mỗi quyển được in ra tối thiểu cũng trên 800.000 quyển.
      Nội dung các tác phẩm đó chứa đựng những gì? Cách lập giáo ra sao? Và văn thể văn từ như thế nào? Ðó là điều mà trong lần tái bản nầy, chúng tôi xin trình bày đại cương để chư quí vị độc giả đạo tâm bốn phương đồng lãm.

*

      Những tác phẩm mà Ðức Giáo Chủ viết ra, phần nhiều thuộc về văn vần.

      Một điều đặc biệt đáng chú ý là trong khi cầm bút, dù tản văn hay vận văn, Ngài luôn luôn viết thẳng một mạch không vấp không ngưng, không dùng giấy nháp và không hề bôi xóa, cắt xén như các văn sĩ thường làm. Người ta cho rằng Ngài viết mau lẹ và dễ dàng hơn Ông Alcyone Krisnhamurti khi viết quyển Aux pieds du Maitre.

      Có thể kể theo thứ tự thời gian những tác phẩm trường thiên sau đây của Ðức Giáo Chủ.

1.  SẤM GIẢNG KHUYÊN NGƯỜI ÐỜI TU NIỆM (tức quyển nhứt, văn lục bát, dài 912 câu, xuất bản lần đầu năm 1939).

      Ngài viết xong trước đệ nhị thế chiến, tại làng Hòa Hảo, Sấm Giảng nầy khởi đầu bằng câu:
Hạ Nguơn nay đã hết đời,
và chấm dứt bởi câu:
Tới đây cũng lần ngừng lại bút nghiên.

      Nội dung, Ðức Giáo Chủ đánh thức quần chúng bằng cách tiên tri những cảnh lầm than khốn khổ mà nhân loại sẽ phải trải qua trong thời đại nhiểu nhương.

      Chẳng hạn, Ngài nói trước các năm từ lúc xảy ra cho đến khi chấm dứt đệ nhị thế chiến:

            Mèo kêu bá tánh lao xao,
      Ðến chừng Rồng, Rắn máu đào chỉn ghê.
            Con Ngựa lại đá con Dê,
      Khắp trong trần hạ nhiều bề gian lao.
            Khỉ kia cũng bị xáo xào,
      Canh khuya Gà gáy máu đào mới ngưng.

      Người ta đã thấy đúng trăm phần trăm từ khởi đầu cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai (Mèo kêu,1939) cho đến khi hai quả bom nguyên tử của Ðồng Minh thả xuống nước Nhựt để chấm dứt chiến cuộc (Gà gáy, 1945), không sai một mảy.

      Cuộc giết chóc ghê tởm của chiến tranh tuy ngưng từ năm Gà, nhưng theo Ðức Giáo Chủ, nó sẽ còn tái diễn tại Việt Nam, và sẽ lan diễn khắp nơi:

            Ðời cùng còn chẳng mấy năm,
     Khắp trong các nước thây nằm bằng non.
            Cha thì chẳng thấy mặt con,
      Vợ thì chồng chẳng được còn tại gia! .

      Trong tác phẩm nầy, Ðức Giáo Chủ cũng tường thuật việc Ngài hóa hiện ra đui cùi, buôn bán, khi già lúc trẻ, dạo khắp «lục châu» để thử lòng trăm họ, giác tỉnh mọi người, gọi họ theo về đường ngay, nẻo Ðạo.

2. – KỆ DÂN CỦA NGƯỜI KHÙNG (tức quyển nhì, văn thất ngôn trường thiên, dài 846 câu, xuất bản lần đầu năm 1939).

      Ngài viết tại làng Hòa Hảo ngày 12 tháng 9 năm Kỷ Mão Kệ nầy khởi đầu bằng câu:

Ngồi Khùng trí đoái nhìn cuộc thế,
và chấm dứt bởi câu:
Ta ra sức dắt dìu bá tánh.

      Cũng như trong quyển nhứt, ở đây Ðức Giáo Chủ vừa tiên tri tai nàn sắp xảy đến cho nhân dân, vừa khuyên mọi người làm lành lánh dữ. Chẳng hạn như:

      Ðến chừng đó bốn phương có giặc,
      Khắp hoàn cầu thiết thiết tha tha.
      Vậy sớm mau kiếm chữ ma ha,
      Thì Phật cứu khỏi nơi khói lửa.

       . . .

      Trung với hiếu ta nên trau trỉa,
      Hiền với lương bổn đạo rèn lòng.
      Thường nguyện cầu siêu độ Tổ tông,
      Với bá tánh vạn dân vô sự.

Rồi Ngài không ngần ngại, đánh đổ những mê tín dị đoan, những âm thanh sắc tướng, những sự dối tu, lòe đời:

      Theo Thần Tú tạo nhiều chuông mõ,
      Mà xưa nay có mấy ai thành!
      . . .
      Làm hiền lành hơn tụng hơ hà,
      Hãy tưởng Phật hay hơn ó ré.
      . . .
      Những giấy tiền vàng bạc cũng thôi,
      Chớ có đốt tốn tiền vô lý.
      . . .
      Tu vô vi chớ cúng chè xôi,
      Phật chẳng muốn chúng sanh lo lót.

3. – SÁM GIẢNG (tức quyển ba, văn lục bát, dài 612 câu, xuất bản lần đầu năm 1939).

      Ngài cũng viết tại làng Hòa Hảo năm Kỷ mão, khởi đầu bằng câu:

Ngồi trên đảnh núi liên đài,
và chấm dứt bởi câu:
Chúc cho bá tánh muôn sầu tiêu tan.

      Trong quyển nầy, Ðức Giáo Chủ dạy tu nhân đạo, Ngài viết:

            Tu cầu cha mẹ thảnh thơi,
    Quốc vương thủy thổ chiều mơi phản hồi.
            Tu đền nợ thế cho rồi,
      Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen.

      Ðối với hạng thanh niên nam nữ, thường dễ bị văn minh vật chất hoặc dục vọng lôi cuốn đến bờ trụy lạc, Ngài kêu gọi:

            Nghiêm đường chịu lịnh cho an,
      Loạn luân cang kỷ hổ mang tiếng đời.
Hoặc là:
            Nghe lời cha mẹ cân phân,
      Tam tùng vẹn giữ lập thân buổi nầy.

Và Ngài cũng cực lực đả phá những hủ tục, bài xích những thói xa hoa, đàng điếm. Chẳng hạn:

            Chết rồi cũng bớt cóc ken,
      Trống đờn lễ nhạc tế xen ích gì!
            Ðàn nhu thầy lễ cũng kỳ,
    Mắc phải chuyện gì phủ phục bình hưng?

Hay là:
            Văn minh sửa mặt sửa mày,
      Áo quần láng mướt ngày rày ăn chơi.
           Dọn xem hình vóc lả lơi,
      Ra đường ăn nói những lời nguyệt hoa.

      Nếu chịu vẹn gìn theo lời chỉ giáo trong quyển SÁM GIẢNG nầy, thì nhân đạo của ta ắt có thể coi là hoàn bị lắm.

4. – GIÁC MÊ TÂM KỆ (tức quyển tư, văn thất ngôn trường thiên, dài 846 câu, xuất bản lần đầu năm 1939).
      Ðức Giáo Chủ viết tại Hòa Hảo ngày 20 tháng 10 năm Kỷ mão. Kệ nầy khởi đầu bằng câu:

Khai ngọn đuốc từ bi chí thiện,
và chấm dứt bởi câu:
Mong bá tánh vạn dân giải thoát.

      Nơi đây, Ðức Giáo Chủ có nói trước những tai họa hãi hùng mà chúng sanh sẽ phải trải qua trong thời Hạ nguơn mạt kiếp:

       Khổ với thảm ngày nay có mấy,
      Sợ mai sau dòm thấy bay hồn.
      Trừ tà gian còn thiện chỉ tồn,
      Cảnh sông máu núi xương tha thiết.

      Ngài lại còn giảng rõ thế nào là tứ đổ tường, tứ khổ, ngũ uẩn, lục căn, lục trần, tứ diệu đế, bát chánh và bát nhẫn.

Còn gì đáng coi là nhẫn nhục, hỷ xả hơn những câu dưới đây:

       Ai chưởi mắng thì ta giả điếc,
      Ðợi cho người hết giận ta khuyên.
      Chữ nhẫn hòa ta để đầu tiên,
    Thì đâu có mang câu thù oán.

5. – KHUYẾN THIỆN (tức cuốn thứ năm, đoạn đầu và đoạn chót viết bằng lối văn lục bát, đoạn giữa viết bằng lối thất ngôn, gồm 756 câu (và 4 bài thi 20 câu), xuất bản lần đầu năm 1942).

      Ngài viết tại nhà thương Chợ Quán năm 1941. Tác phẩm nầy khởi đầu bằng câu:

Băng tâm ngẫu hứng thừa nhàn,
và chấm dứt bởi câu:
Rán trau đức hạnh ngày sau sẽ tường.
      Nội dung, Ðức Giáo Chủ nhắc tiểu sử Ðức Thích Ca và luận giảng về tám sự khổ trong cõi Ta bà, về pháp môn tịnh độ, về ngũ trược, trừ thập ác và hành thập thiện.

6. – CÁCH TU HIỀN VÀ SỰ ĂN Ở CỦA MỘT NGƯỜI BỔN ÐẠO. Quyển nầy viết bằng văn xuôi, hồi tháng 5 dl 1945 tại Sài gòn và xuất bản lần đầu cũng trong năm ấy. Tuy văn xuôi, quyển nầy có một đặc sắc là giản dị và lưu loát, âm hưởng du dương, nhịp nhàng.

      Nơi đây, Ðức Giáo Chủ minh giải về tứ ân, tam nghiệp thập ác và bát chánh. Ngài còn giảng dạy về cách thờ phượng, cúng lạy, nghi thức cử hành tang lễ, giá thú, cách đối xử với tôn giáo bạn, với các tăng sư, v.v…

      Ngoài sáu quyển vừa kể, Ðức Giáo Chủ còn viết ra rất nhiều bài thi, bài văn mà trước đây 13 năm, một nhóm tín đồ tại Thánh Ðịa Hòa Hảo đã gom góp để in thành quyển SƯU TẬP THI VĂN GIÁO LÝ CỦA ÐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ.

      Sách dày trên 300 trang, nội dung gồm có gần đủ loại thơ ca: thất ngôn bát cú, tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục bát, thất ngôn trường thiên, song thất lục bát, tứ ngôn và một số bài biến thể. Trong đây, Ðức Gíao Chủ hoặc viết để dạy riêng một người hay đáp họa với một người khác, hoặc viết để cảnh giác, hoặc viết để khuyến tu… Tựu trung, nhứt nhứt đều có bao hàm một giáo nghĩa thâm huyền mà cho dẫu không phải người trong cuộc, đọc đến cũng đều có lợi ích cho sự tu hành.

      Riêng phần văn từ, nói chung toàn bộ, Ngài chủ trương:

      Quyết dạy trần nên nói lời thường,
      Cho sanh chúng đời nay dễ biết.
Hoặc là:
      Dạy bổn đạo lấy câu trung đẳng,
      Chẳng nói cao vì sắp rốt đời.

      Cho nên, với những lời văn vô cùng giản dị nhưng ngọt ngào và óng chuốt. Ðức Giáo Chủ dụng tâm làm cho dễ thuộc dễ theo, để sớm đưa họ tiến tới con đường lành mà Ngài đã vạch ra và đã nhất tâm phát nguyện:

      Quyết đưa chúng về nơi non Thứu,
      Tạo Lư bồng ngõ hội Quần Tiên.
Hoặc:
      Nếu chúng sanh còn chốn mê tân,
      Thì ta chẳng an vui cực lạc.
Hay là:
      Biết làm sao gieo đạo khắp đại đồng,
      Ðưa nhân loại đi vào vòng hạnh phúc.

      Như đã nói ở đoạn đầu, những Kệ Giảng nêu trên, mỗi quyển được in ra từ trước đến nay, ít nhất cũng trên 800.000 quyển.

*

      Tuy nhiên, sách càng được in ra nhiều chừng nào, thì cái bịnh tam sao thất bổn càng trầm trọng thêm chừng nấy. Bởi một lẽ rất giản dị là suốt trong thời thực dân thống trị cho đến hồi độc tài phong kiến, vì thời  cuộc, đoàn thể Phật Giáo Hòa Hảo không mấy lúc được yên lành. Cho nên công việc phát hành Kệ Giảng phần nhiều do các đồng đạo có nhiệt tâm đứng ra ấn loát chớ ít được dịp do một cơ quan nào trong Giáo Hội theo dõi việc in. Cái bịnh tam sao thất bổn vốn đã sẵn có, tự thuở còn được truyền bá bằng cách chép tay, nay lại càng sai thêm với biết bao nhiêu lần in thiếu người có khả năng chuyên môn xem sóc...

 

      Chính vì những sự sai lầm đáng tiếc đó mà ngay từ khi Ban Trị Sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Nhiệm kỳ đầu tiên (18 11 1964) được tái lập sau một thời gian dài gián đoạn, Ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương chúng tôi đã ghi ngay vào hàng đầu của Chương trình hoạt động, công tác đính chánh Kệ Giảng hệ trọng nầy, và bắt tay vào việc ngay sau phiên đại hội toàn quốc về Phổ Thông Giáo Lý ngày 27 tháng 12 năm 1964.

      Ngày 8 3 1965, một Chỉ thị số 233/TƯTV/19 GL gởi các cấp Phổ Thông Giáo Lý Tỉnh, Quận và Xã để tham khảo ý kiến toàn thể Trị Sự viên và tất cả đồng đạo nào có để tâm nghiên cứu về những câu, những chữ cần bổ khuyết hay đính chánh trong Kệ Giảng.

      Theo thời gian biểu của chúng tôi, thì công việc tham khảo các cấp nầy kéo dài một tháng rưởi kể từ 15-3-1965, đến 30-4-1965, và sau đó, chúng tôi mới cẩn thận làm bản đúc kết lại các đề nghị để trình ra hội nghị, hầu tham khảo một lần tối hậu để lấy biểu quyết những chỗ đáng sửa đổi.

      Ngày 17-5-1965, một hội nghị được khai mạc tại Văn phòng Ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương (Thánh Ðịa Hòa Hảo) trong sự chứng minh của ông Út Huỳnh Văn Quốc, bào đệ của Ðức Ông và dưới quyền Chủ tọa của ông Lương Trọng Tường, Hội Trưởng Ban Trị Sự Trung Ương.

      Ông Nguyễn Văn Hầu, Trưởng Ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương giữ nhiệm vụ Thuyết trình viên và ông Trần Minh Quang, Thư Ký Ban Phổ thông Giáo Lý Trung Ương làm Thư Ký phiên hội.

      Thành phần tham dự hội nghị gồm có:
  - Ô. Dật Sĩ Trần Văn Nhựt, Cố Vấn Ban Trị Sự Trung Ương kiêm Trưởng Ban Nghiên Cứu và Biên Tập trong Ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương.
  - Viễn Lê Hòa Nhựt, Cố Vấn Ban Trị Sự Trung Ương Kiêm Cố Vấn Ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương.
  - Huỳnh Công Kỷ, Trưởng Ban Phổ Thông Giáo Lý Tỉnh An giang.
  - Phạm Văn Tốt, Trưởng Ban Phổ Thông Giáo Lý Tỉnh Kiến Phong.
  - Bùi Văn Triệu, Trưởng Ban Phổ Thông Giáo Lý Tỉnh Châu Ðốc.
  - Lê Thanh Quang, Trưởng Ban Phổ Thông Giáo Lý Tỉnh Phong Dinh.
  - Lâm Văn Trung, Kiểm Soát Ban Trị Sự Tỉnh Châu Ðốc.
  - Nguyễn Chi Diệp, Cố Vấn Ban Trị Sự Thánh Ðịa Hòa Hảo.
  - Huỳnh Hữu Phỉ, Nhân sĩ kỳ cựu P.G.H.H.
  - Trần Văn Mành, Trưởng Ban Phổ Thông Giáo Lý Thánh Ðịa Hòa Hảo, xã Hưng Nhơn.
  - Ngô Minh Chí Phó Ðặc Ban Biên Tập và Xướng ngôn Ðài Phát Thanh, thuộc Ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương.
  - Ðào Văn Ðạm, Quản Lý Nguyệt san Ðuốc Từ Bi, thuộc Ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương.
  - Trịnh Công Dung, Hội Trưởng Ban Trị Sự Quận Châu Phú.
  - Lê Văn Phú, Trưởng Ban Phổ Thông Giáo Lý Quận Châu Phú.
  Ðặng Thành Tựu, trưởng Ban Phổ Thông Giáo Lý Quận Chợ Mới.
  - Trường Thi, Hội Trưởng Ban Trị Sự Quận Thốt Nốt.
  - Nguyễn–Văn Nam, Trưởng Ban Phổ Thông Giáo Lý Quận Châu Thành (An Giang).
  - Phạm Hữu Vỹ, Trưởng Ban Tiếp Tân tại Tây An Cổ Tự (Long Kiến).
  - Nguyễn Văn Bửu, Ðặc Viên Ấn Loát Phát hành, thuộc Ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương.
  - Nguyễn Anh Kiệt, Ðặc Viên Huấn Luyện Truyền Bá thuộc Ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương.

      Hội nghị nầy đã làm việc một cách tận tụy và say mê, đã đính chánh và bổ khuyết được nhiều điều quan trọng mà kết quả là quyển Sấm Giảng Thi Văn toàn bộ được in ra hôm nay.

      Sách chia làm hai phần, phần đầu gồm sáu quyển với các loại Sấm, Kệ, Văn... mệnh danh: Phần thứ nhất: Sấm Giảng Giáo Lý và phần sau gồm hàng trăm bài Thi, Ca, Văn, Chú... mệnh danh. Phần thứ hai: Thi Văn Giáo Lý.                              

      Trong các bài Thi Văn Sấm Kệ kể trên, chúng tôi cố gắng sắp theo thứ tự thời gian để Chư quý độc giả đạo tâm tiện bề theo dõi.

      Với mục đích «đính chánh những điều tam sao thất bổn hoặc nghe lầm nhớ lộn đã làm sai biệt hẳn nguyên văn về chân ý của Ðức Thầy trong Kệ Giảng» chúng tôi làm việc theo sáu nguyên tắc dưới đây:

1) Nổ lực sưu tầm trong các đồng đạo kỳ cựu nào còn giữ được bản chánh do chính Ðức Giáo Chủ viết ra để dò từng chữ mà sửa lại những chỗ in sai.
2) Những tác phẩm nào kiếm không ra được bản chánh, thì hội nghị mới xét tới các đề nghị của các cấp mỗi khi gặp những chữ cần đính chánh.
3) Các đề nghị đính chánh của các cấp đồng đạo cũng như của hội nghị là phải trưng ra bằng cớ cụ thể là «Tại sao phải sửa lại như thế»:
  do chính tai họ nghe Ðức Thầy đính chánh trước đây cùng với sự hiện diện của ai, hồi nào?..
  do họ là những người đã ngồi bên cạnh Ðức Thầy, sao chép những bổn Kệ Giảng để phát ra cho dân chúng trong buổi đầu mở đạo?...
  do những bản in cũ từ buổi đầu và xét ra hữu lý?...
4/ Hội nghị chỉ nhắm vào công tác đính chánh chứ không có thẩm quyền thêm bớt nếu không có bằng cớ xác đáng.
5/ Ghi vào biên bản hẳn hòi những chữ, những câu và những lý do nào cần bổ khuyết hay sửa đổi để lưu trữ tại Văn Phòng Ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương hầu làm tài liệu tham khảo cho những ai còn thắc mắc.
6/ Tất cả những đề nghị sửa đổi, người đề nghị quả quyết nhận trách nhiệm trước Ðức Thầy, trước các Ðấng Thiêng liêng là họ đã nói đúng, nghe đúng và nghĩ đúng.

      Một vài thí dụ sau đây để được sáng tỏ thêm việc làm của hội nghị:
  Những bài dò theo bản chánh do Ðức Thầy viết ra, hội nghị đồng ý phải cho ghi ở cuối bài là bản đó do ai còn giữ được.
  Trong bài Sứ mạng của Ðức Thầy, lâu nay đã in «Tuy có phải chuyển kiếp luân hồi ở nơi hải ngoại…» và «kẻ xa xuôi từ nan chẳng tới…»; nay ông Dật sĩ xác nhận rằng chính Ông đã thấy tận mắt trong một bản chánh hồi Ông còn ở Bạc Liêu là «Tùy cơ pháp chuyển kiếp luân hồi ở nơi hải ngoại... » và «kẻ xa xuôi từ văn chẳng tới...» chớ không phải như các bản đã lưu hành trước đây.

      Xét ra, Ðức Thầy viết bài nầy tại Bạc Liêu năm 1942 và ông Dật Sĩ trong thời gian ấy cũng đang làm việc tại đó, vả lại ý nghĩa rất hợp nên hội nghị đồng ý sửa đổi.

  Ngoài nhiều bản chánh mà ông Nguyễn Chi Diệp còn giữ được để hội nghị dùng làm tài liệu khảo sát, ông Diệp còn cải chánh sự in sai trong Sám Giảng quyển ba mà ông đã nghe biết rõ ràng từ khi Ðức Thầy còn ở tại Thánh Ðịa:

«Tu hành tầm đạo một mai cứu đời»
chớ không phải:
«Tu hành tâm đạo một mai cứu đời».
  Ông Huỳnh Hữu Phỉ trình bày trước hội nghị rằng trong bài Sa Ðéc chính Ðức Thầy có sửa một bản do Ông dâng lên. Câu đầu bài đó chép:
«Nhìn cuộc thế bốn bề sóng dậy»,
Ðức Thầy đã sửa lại:
«Nhìn cuộc thế bộn bề sóng dậy»
và cũng theo ông Phỉ câu đầu trong bài « Nang thơ cẩm tú » có hai chữ thanh bạch và thanh lặng đã gây bất nhất giữa anh em tín đồ, kẻ đọc thanh lặng, người cãi là thanh bạch, cho nên lúc Ðức Thầy ở tại Sài gòn, đường Lefèbvre, ông có trình lên thỉnh ý. Và Ðức Thầy xác nhận:
«Trời thanh lặng gió đưa hiu hắt».
  Ông Lâm Văn Trung quả quyết: Trong bài «Viếng làng Mỹ Hội Ðông», Ðức Thầy không hề viết bốn câu đầu:

«Buông mành thả lá cạn dòng châu,

Áo não tâm can cảnh mộng sầu;

Môi hở sợ e răng phải lạnh,

Ðáy lòng cạn tỏ máy huyền sâu.»

nên đề nghị bỏ. Hội nghị xét ông Trung là người Mỹ Hội Ðông, mà ông cũng được gần gũi bên Thầy trong buổi viết bài nầy, nên đồng ý xóa mấy câu đó trong bản in trước.

      Phải có những chứng tích dẫn giải rành mạch và trách nhiệm phân minh như thế, hội nghị mới đồng thanh chấp nhận và đính chánh lại những chỗ sai lầm.

      Tuy đã thận trọng như trên, nhưng sau khi hội nghị bế mạc, công việc nầy còn phải kéo dài thêm một thời gian làm việc nữa. Ðó là công việc dò kỹ từng chữ, từng câu để sửa lại từng dấu, từng nét. Quý Ông Cố Vấn Dật Sĩ, Thơ Ký Trần Minh Quang, Quản Lý Ðào Văn Ðạm và Phát Hành viên Nguyễn Văn Bửu đều đã thiết thực góp tay với ông Trưởng Ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương Nguyễn Văn Hầu trong công việc nầy.

      Sau hết, một vấn đề không kém quan trọng là việc sửa ấn cảo. Nếu ấn cảo mà không được người có khả năng xem sóc thì bao nhiêu công trình từ trước sẽ không được bảo đảm nếu không nói là hỏng đi. Ông Nguyễn Long Thành Nam, Ðệ Nhất Phó Thơ Ký Ban Trị Sự Trung Ương đã phát tâm hoan hỉ đảm nhận công tác nầy.

      Hôm nay, quyển Sấm Giảng Thi Văn toàn bộ của Ðức Huỳnh Giáo  Chủ được đến trong tay Quý vị độc giả đạo tâm, là kết quả của bao nhiêu công việc vừa trình bày trên đây với suốt một thời gian dài trên 10 tháng.
Ðã hiểu rằng «Nhân thân nan đắc, Phật Pháp nan văn» cho nên, làm công việc nầy chúng tôi không có cao vọng gì hơn là muốn chính xác hóa những chỗ in lầm trong Giáo Pháp của Ðức Huỳnh Giáo Chủ – một Giáo Pháp nhiệm mầu và thực tế – hầu có quảng bá một cách sâu rộng hơn nữa trong quảng đại quần sanh, để những người có cơ duyên sẽ do đó mà bước lên con đường cùng tu cùng tiến.

      Nếu Kinh Pháp Hoa chép: «Phật vị nhất đại sự nhân duyên xuất hiện ư thế» (Phật vì một nhân duyên lớn mà có mặt trên đời) thì nơi đây, chúng tôi cũng dám xin nguyện cầu Chư Phật và Ðức Thầy gia hộ cho người người được rộng mở nhân duyên, xem SẤM KINH nầy mà phát tâm thiện nguyện.

      Ðược như thế, chúng tôi tưởng không có nguồn vui nào hơn.
                        NAM MÔ A DI ÐÀ PHẬT

 Thánh Ðịa Hòa Hảo, ngày Rằm tháng bảy Ất Tỵ (1965)
              Ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương
                        Nhiệm kỳ I, 1964-1966
                                          Cẩn khải



THAY LỜI TỰA (S MẠNG CỦA ÐỨC THẦY)

Do chính tay Ngài viết

        Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão, vì thời cơ đã đến, lý Thiên Ðình hoạch định, cuộc nguy cơ thảm họa sắp tràn lan. Ta đây tuy không thể đem phép huệ linh mà cứu an tai họa chiến tranh tàn khốc do loài người tàn bạo gây nên, nhưng mà thử nghĩ: Sinh trong vòng đất Việt Nam nầy, trải qua bao kiếp trong địa cầu lăn lộn mấy phen, tùy cơ pháp chuyển kiếp luân hồi ở nơi hải ngoại để thu thập những điều đạo học kinh nghiệm huyền thâm, lòng mê si đã diệt, sự vị kỷ đã tan mà kể lại nguồn gốc phát sinh, trải bao đời giúp nước vùa dân cũng đều mãi sinh cư nơi đất Việt. Những tiền kiếp dầu sống cũng là dân quan đất Việt, dầu thác, cũng quỉ thần đất Việt chớ bao lìa. Những kiếp gần đây, may mắn gặp minh sư cơ truyền Phật Pháp, gội nhuần ân đức Phật, lòng đà quảng đại từ bi, hềm vì nỗi cảnh quốc phá, gia vong, máy huyền cơ đã định, lòng thương trăm họ vướng cảnh, đồ lao, chi xiết xót thương chúng sanh vạn khổ.

 

        Nghĩ lúc còn làm người trong biển tục, lăn lộn chốn mê đồ, mà chẳng quản thân giúp thế cứu dân, vong thân vị quốc, huống chi nay cơ mầu đà thấu tỏ, sớm chiều hầu chơn Phật nghe kinh, ngao du tứ hải, dạo khắp Tiên bang, cảnh an nhàn của người liễu đạo, muôn ngày vô sự, lóng sạch phàm tâm, sao chẳng ngồi nơi ngôi vị hưởng quả bồ đề trường thọ mà còn len lỏi xuống chốn hồng trần, đặng chịu cảnh chê khen? Vì lòng từ ái chứa chan, thương bách tính tới hồi tai họa. Phật Vương đà chỉ rõ máy diệu huyền chuyển lập hội Long Hoa, chọn những đấng tu hành cao công quả để ban cho xứng vị xứng ngôi, người đủ các thiện căn để giáo truyền Ðại Ðạo, định ngôi phân thứ gây cuộc Hòa Bình cho vạn quốc chư bang.

 

        Thiên Tào đà xét định, khắp chúng sanh trong thế giới trong cái buổi Hạ Nguơn nầy, say mê vật dục, chìm đắm trong biển lợi danh, gây nên nghiệp quả, luật trời đà trị tội xét kẻ thiện căn thì ít, người tội ác quá nhiều, chư Phật mới nhủ lòng từ bi cùng các vị chơn Tiên lâm phàm độ thế, trước ra công cứu khổ, sau chỉ rõ cơ huyền, khuyên kẻ thế hướng thiện quày đầu, cải tà qui chánh thì mới mong Thiên Ðình ân xá bớt tội căn để kíp đến Long Hoa chầu Phật, trước biết rõ luật Trời thưởng phạt, cùng hữu duyên nghe Phật pháp nhiệm mầu, kiến diện bậc Chơn Sư, tu hành mau đắc quả, sau làm dân Phật quốc hưởng sự thái bình, bởi đời nầy pháp môn bế mạc, Thánh đạo trăn vu, người tâm trí tối đen, đời lắm Ma Vương khuấy rối. Ta là một trong các vị cứu đời ấy. Ai liễu Ðạo nơi quốc độ nào thì cũng phải trở về quốc độ ấy mà trợ tế nhân dân; vì thể lòng từ bi bác ái cùng thù đáp những linh hồn đã trợ duyên trong nhiều kiếp giúp Ta nương cậy tu hành, nên ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão, Ta hóa hiện ra đời cứu độ chúng sanh. Tuy là nhơn dân mới rõ pháp mà tưởng rằng Ta thượng xác cỡi đồng chớ có dè đâu chuyển kiếp đã từ lâu chờ đến ngày ra trợ thế. Nên phương pháp của Ta tùy trình độ cơ cảm của Tín nữ Thiện nam, trên thì nói Phật pháp cho kẻ có lòng mộ Ðạo qui căn, gây gốc thiện duyên cùng Thầy Tổ, dưới dùng huyền diệu của Tiên gia độ bịnh để cho kẻ ít căn lành nhờ được mạnh mà cảm lòng từ bi của Chư Vị với Trăm Quan, thảm thiết lê dân lầm than thống thiết, mà lời lành nghe tựa hồ như nhớ như quên, nên kẻ xa xuôi từ văn chẳng tới, người láng diềng tiếng kệ nhàm tai. Ðến trung tuần tháng tám, Ta cùng Ðức Thầy mới tá hiệu Khùng Ðiên, mượn bút mực tiết lộ lấy Thiên cơ, truyền cho kẻ xa gần đều rõ biết hầu ăn năn cải quá làm lành, còn kẻ chẳng tỉnh tâm sau đền tội cũng chẳng trách Phật Tiên không chỉ bảo.

        Vẫn biết đời Lang sa thống trị, phép nước nghiêm hình, dân chúng nếu yêu thương sẽ lắm điều hiềm khích: Nhưng mà Ta nghĩ nhiều tiền kiếp Ta cũng hy sinh vì Ðạo, nào quản xác thân. Kiếp chót nầy đây há lại tiếc chi thân phàm tục, song vì tình cốt nhục tương thân, cũng ủng hộ, chở che cho xác phàm bớt nỗi cực hình.

Bạc Liêu, ngày 18 tháng 5 Nhâm Ngũ -1942




PHẦN THỨ NHỨT: SẤM GIẢNG GIÁO LÝ

🕯


QUYỂN NHỨT: Khuyên Người Đời Tu Niệm

(Ðây là quyển thứ nhứt mà Ðức Thầy đã viết

năm Kỷ Mão 1939 tại Hòa Hảo, dài 912 câu)


Hạ nguơn nay đã hết đời,

Phong ba biến chuyển đổi dời gia cang.

          Năm Mèo Kỷ Mão rõ ràng,

Khắp trong trần hạ nhộn nhàng xiết chi.

Ngồi buồn Điên tỏ một khi,

Bá gia khổ não vậy thì từ đây.

Cơ trời thế cuộc đổi xây,

Điên mới theo Thầy xuống chốn phàm gian.

009. Thấy đời ly loạn bất an,

Khắp trong các nước nhộn nhàng đao binh.

Kẻ thời phụ nghĩa bố kình,

Nguời thời trung hiếu chẳng gìn vẹn hai.

Nên Điên khuyên nhủ bằng nay,

Xin trong lê thứ ngày rày tỉnh tâm.

Cơ thâm thì họa diệc thâm,

Nào trong sách sử có lầm ở đâu.

Người khôn nghe nói càng rầu,

Người ngu nghe nói ngửa đầu cười reo.

Rồi sau sẽ thấy hùm beo,

020  Khắp trong bá tánh hiểm nghèo đáng thương.

Điên nầy vưng lịnh Minh Vương,

Với lịnh Phật đường đi xuống giảng dân.

Thấy trong bá tánh phàm trần,

Kẻ khinh người nhạo Thần Tiên quỉ tà.

Mặc ai bàn tán gần xa,

Quỉ của Phật Bà sai xuống cứu dân.

Kẻ xa thì mến đức ân,

Làm cho người gần ganh ghét khinh khi.

Nam mô, mô Phật từ bi,

030   Miệng thì niệm Phật lòng thì tà gian.

Khắp trong bá tánh trần hoàn,

Cùng hết xóm làng đều bỉ người Điên.

Điên nầy xưa cũng như ai,

Vào các ra đài tột bực giàu sang.

Nghĩ suy danh lợi chẳng màng,

Bèn lên ẩn dật lâm san tu trì.

Nhờ Trời may mắn một khi,

Thẩn thơ lại gặp Đức Thầy Bửu Sơn.

Cúi đầu Điên tỏ nguồn cơn,

040   Động lòng bác ái ra ơn dạy truyền.

Thấy Điên tâm tánh quá thiềng,

Nội trong sáu khắc biết liền Thiên cơ.

Chuyện nầy thôi nói sơ sơ,

Để rộng thì giờ nói chuyện chơn tu.

Dương trần kẻ trí người ngu,

Ham võng ham dù danh lợi xuê xang.

Cờ đà đến nước bất an,

Chẳng lo tu niệm tham gian làm gì.

Phật, Trời thương kẻ nhu mì,

050   Trọng cha, yêu Chúa kính vì Tổ Tông.

Ngồi buồn nói chuyện bông lông,

Khắp trong trần hạ máu hồng nhuộm rơi.

Chừng nào mới đặng thảnh thơi,

Dậu Phật ra đời thế giới bình yên.

Điên nầy Điên của Thần Tiên,

Ở trên Non Núi xuống miền Lục Châu.

Đời còn chẳng có bao lâu,

Rán lo tu niệm đặng chầu Phật Tiên.

Thế gian ít kẻ làm hiền,

060   Nhiều người tàn bạo làm phiền Hóa Công.

Thế gian chuyện có nói không,

Đến hội Mây Rồng thân chẳng toàn thây.

Việc đời đến lúc cấn gay,

Mà cũng tối ngày nói xéo nói xiên.

Dương trần tội ác liên miên,

Sau xuống huỳnh tuyền Địa ngục khó ra.

Điên nầy nói việc gần xa,

Đặng cho lê thứ biết mà lo tu.

Tu cho qua cửa Diêm phù,

070   Khỏi sa Địa ngục ngao du Thiên đài.

Đường đời chẳng có bao dai,

Nên viết một bài cho bá tánh coi.

Tuồng đời như pháo châm ngòi,

Bá gia yên lặng mà coi Khùng nầy.

Khùng thời ba Tớ một Thầy,

Giảng dạy dẫy đầy rõ việc Thiên cơ.

Điên đây còn dại còn khờ,

Yên lặng như tờ coi chúng làm sao.

Bá gia kẻ thấp người cao,

080 Chừng thấy máu đào chúng mới chịu tu.

Bây giờ giả dại giả ngu,

Cũng như Nhơn Quí ở tù ngày xưa.

Lúc nầy kẻ ghét người ưa,

Bị Điên nói bừa những việc vừa qua.

Dương trần biếm nhẻ gần xa,

Nói quỉ nói tà đây cũng cam tâm.

Ngồi buồn nhớ chuyện xa xăm,

Dạo trong Bảy Núi cười thầm sư mang.

Nói rằng lòng chẳng ham sang,

090   Sao còn ham của thế gian làm gì?

Việc nầy thôi quá lạ kỳ,

Cũng trong Phật Giáo sao thì chê khen.

Lúc nầy tâm trí rối beng,

Tiếng quyển tiếng kèn mặc ý bá gia. [1]

Hết gần rồi lại tới xa,

Dân sự nhà nhà bàn tán cười chơi.

Chuyện nầy cũng lắm tuyệt vời,

Giả như Hàn Tín đợi thời lòn trôn.

Đến sau danh nổi như cồn,

100   Làm cho Hạng Võ mất hồn mấy khi.

Chuyện xưa thanh sử còn ghi,

Khen anh Hàn Tín vậy thì mưu cao.

Chuyện đời phải có trước sau,

Điên Khùng khờ dại mà cao tu hành.

Bá gia phải rán làm lành,

Niệm Phật cho rành đặng thấy Thần Tiên.

Thương đời trong dạ chẳng yên,

Khắp trong lê thứ thảm phiền từ đây.

Ngày nay thế cuộc đổi xây,

110   Rán lo tu niệm đặng Thầy cứu cho.

Mảng theo danh lợi ốm o,

Sẵn của hét hò đứa ở người ăn.

Đừng khi nhà lá một căn,

Mà biết niệm Phật sau bằng bạc muôn.

Giàu sang như nước trên nguồn,

Gặp cơn mưa lớn nó tuôn một giờ.

Cửu Huyền Thất Tổ chẳng thờ,

Để thờ những Đạo ngọn cờ trắng phau.

Dương trần bụng dạ nhiều màu,

120 Thấy cảnh bên Tàu sao chẳng nghĩ suy.

Lời xưa người cổ còn ghi,

Những việc lạ kỳ nay có hay chưa?

Chưa là với kẻ chẳng ưa,

Chớ người tâm đạo biết thừa tới đâu.

Bá gia mau kíp lo âu,

Để sau đối đầu chẳng đặng toàn thây.

Việc đời nói riết thêm nhây,

Nếu muốn làm Thầy phải khổ phải lao.

Mèo kêu bá tánh lao xao,

130 Đến chừng rồng rắn máu đào chỉn ghê.

Con ngựa lại đá con dê,

Khắp trong trần hạ nhiều bề gian lao.

Khỉ kia cũng bị xáo xào,

Canh khuya gà gáy máu đào mới ngưng.

Nói ra nước mắt rưng rưng,

Điên biểu dân đừng làm dữ làm hung.

Việc đời nói chẳng có cùng,

Đến sau mới biết đây dùng kế hay.

Bây giờ mắc việc tà tây,

140   Nên mới làm vầy cho khỏi ngại nghi.

Thiên cơ số mạng biết tri,

Mà sao chẳng chịu chạy đi cho rồi?

Những người giả đạo bồi hồi,

Còn chi linh thính mà ngồi mà nghe.

Việc đời như nước trong khe,

Nó tưởng đặt vè nói biếm người hung.

Điên nầy nối chí theo Khùng,

Như thể dây dùn đặng cứu bá gia.

Sau nầy kẻ khóc người la,

150   Vài ba năm nữa biết mà tà tinh.

Điên biết chẳng lẽ làm thinh,

Nói cho bá tánh mặc tình nghe không.

Việc Điên, Điên xử chưa xong,

Lục Châu chưa giáp mà lòng ủ ê.

Người nghe đạo lý thì mê,

Kẻ lại nhún trề nói: Lão kiếm cơm.

Thấy nghèo coi thể rác rơm,

Rồi sau mới biết rác rơm của Trời.

Vì Điên chưa đến cái thời,

160   Nên còn ẩn dạng cho người cười chê.

Từ đây sắp đến thảm thê,

Con lìa cha mẹ, vợ kia xa chồng.

Tới chừng đến việc ngóng trông,

Trách rằng Trời Phật không lòng từ bi.

Di Đà lục tự rán ghi,

Niệm cho tà quỉ vậy thì dang ra.

Khuyên đừng xài phí xa hoa,

Ăn cần ở kiệm đặng mà lo tu.

Đừng khinh những kẻ đui mù,

170   Đến sau sẽ khổ gấp mười mù đui.

Đời nay xét tới xem lui,

Chừng gặp tuổi Mùi bá tánh biết thân.

Tu hành sau được đức ân,

Nhờ Trời ban bố cho gần Phật Tiên.

Nói ra trong dạ chẳng yên,

Điên gay chèo quế dạo miền Lục Châu.

Tới đâu thì cũng như đâu,

Thêm thảm thêm sầu lòng dạ người xưa.

Bá gia ai biết thì ưa,

180 Tôi chẳng nói thừa những việc Thiên cơ

Khi già lúc lại trẻ thơ,

Giả quê giả dốt khắp trong thị thiềng.

Đi nhiều càng thảm càng phiền,

Lên doi xuống vịnh nào yên thân Già.

Tay chèo miệng lại hát ca,

Ca cho bá tánh biết đời loạn ly.

A Di Đà Phật từ bi,

Ở bên Thiên Trước chứng tri lòng nầy.

Từ ngày thọ giáo với Thầy,

190   Dẹp lòng vị kỷ đầy lòng yêu dân.

Ngày nay chẳng kể tấm thân,

Miễn cho bá tánh được gần Bồng Lai.

Đời nầy vốn một lời hai,

Khắp trong trần hạ mấy ai tu trì.

Đời nầy giành giựt làm chi,

Tới việc ly kỳ cũng thả trôi sông.

Thuyền đưa Tiên cảnh Non Bồng,

Mấy ai mà có thiềng lòng theo đây.

Cứ lo làm việc tà tây,

200   Bắt ngưu bắt cầy đặng chúng làm ăn.

Chừng đau niệm Phật lăng xăng,

Phật đâu chứng kịp lòng người ác gian.

Thấy đời mê muội lầm than,

Ăn bạ nói càn tội lỗi chỉn ghê.

Chữ tu không phải lời thề,

Mà không nhớ đến đặng kề Tiên bang.

Nói nhiều trong dạ xốn xang,

Cùng hết xóm làng tàn ác nhiều hơn.

Thầy chùa như thể cây sơn,

210   Ngoài da coi chắc trong thời mối ăn.

Buồn thay cho lũ ác tăng,

Làm điều dối thế cho hư Đạo mầu.

Di Đà Phật Tổ thêm rầu,

Giận trong tăng chúng sao lừa dối dân.

Có thân chẳng liệu lấy thân,

Tu như lối cũ mau gần Diêm vương.

Bá gia lầm lạc đáng thương,

Nên trước Phật đường thọ lãnh dạy dân.

Dương trần nhiều kẻ ham sân,

220   Cứ theo biếm nhẻ xa gần người Điên.

Lòng buồn mượn lấy bút nghiên,

Viết cho trần hạ bớt phiền lo tu.

Thương đời chớ chẳng kiếm xu,

Buồn cho bá tánh hết mù tới đui.

Có chi mà gọi rằng vui,

Khắp trong bá tánh gặp hồi gian lao.

Từ đây hay ốm hay đau,

Rán tu đem được Phật vào trong tâm.

Lời hiền nói rõ họa thâm,

230   Đặng cho bá tánh tỉnh tâm tu hành.

Ngày nay Điên mở Đạo lành,

Khắp trong lê thứ được rành đường tu.

Nay đà gần cuối mùa thu,

Hết ngu tới dại công phu gần thành.

Xác trần đạo lý chưa rành,

Mấy ai mà được lòng thành với Điên.

Điên nầy sẽ mở xích xiềng,

Dắt dìu bá tánh gần miền Tiên bang.

Không ham danh lợi giàu sang,

240 Mong cho bá tánh được nhàn tấm thân.

Thường về chầu Phật tấu trần,

Cầu xin Phật Tổ ban lần đức ơn.

Nay đà bày tỏ nguồn cơn,

Cho trong trần hạ thiệt hơn tỏ tường.

Phật, Trời thấy khổ thời thương,

Muốn cho lê thứ thường thường làm nhơn.

Đừng ham tranh đấu thiệt hơn,

Tu niệm chớ sờn uổng lắm dân ôi!

Hồng trần biển khổ thấy rồi,

250   Rán tu nhơn đạo cho tròn mới hay.

Đừng ham nói đắng nói cay,

Cay đắng sau nầy đau đớn, sầu bi.

Tu hành tâm trí rán trì,

Sau nầy sẽ thấy việc gì trên mây.

Đừng làm tàn ác ham gây,

Sẽ có người nầy cứu vớt giùm cho.

Dương trần lắm chuyện đôi co,

Phải dẹp vị kỷ mà lo tu hành.

Kệ kinh tưởng niệm cho sành,

260 Ngày sau thấy Phật đành rành chẳng sai

Lúc nầy thế giới bi ai,

Chẳng nói vắn dài Phật nọ tức tâm.

Mấy lời khuyên nhủ chẳng lầm,

Từ đây đạo hạnh được mầm thanh cao.

Hồng trần lao khổ xiết bao,

Khuyên trong lê thứ bước vào đường tu.

Xưa nay đạo hạnh quá lu,

Ngày nay sáng tỏ đền bù ngày xưa.

Mặc tình kẻ ghét người ưa,

270   Điên chẳng nói thừa lại với thứ dân.

Quan trường miệng nói vang rân,

Mà tâm dính chặt hồng trần bụi nhơ.

Buồn đời nên mới làm thơ,

Cũng còn tai lấp mắt ngơ mới kỳ.

Người đời lòng dạ bất tri,

Trông cho làm bịnh dị kỳ nó coi.

Dương gian chậu úp được soi,

Giấu đầu rồi lại cũng lòi sau đuôi.

Nói nhiều mà dạ chẳng nguôi,

280   Việc tu bá tánh bắn lùi như tôm.

Tưởng Phật được lúc đầu hôm,

Đêm khuya muốn giựt nồi cơm của người.

Thế gian nhiều việc nực cười,

Tu hành chẳng chịu, lo cười lo khinh.

Người già ham muốn gái xinh,

Đến sau chẳng biết thân mình ra sao?

Xác thân cọp xé beo quào,

Còn người tàn bạo máu đào tuôn rơi.

Tu hành hiền đức thảnh thơi,

290 Ngay cha thảo Chúa Phật, Trời cứu cho.

Bá gia hãy rán mà lo,

Kiếm Lão Đưa Đò nói chuyện huyền cơ.

Bấy lâu chẳng biết làm thơ,

Nay viết ít tờ trần hạ tỉnh tâm.

Đến sau khổ hạnh khỏi lâm,

Nhờ công tu niệm âm thầm quá hay.

Chừng nào chim nọ biếng bay,

Cá kia biếng lội khổ nầy mới yên.

Nhắc ra quá thảm quá phiền,

300   Bể khổ gần miền mà chẳng chịu tu.

Ngọn đèn chơn lý hết lu,

Khắp trong lê thứ ao tù từ đây.

Thấy trong thời cuộc đổi xây,

Đời nay trở lại khác nào đời Thương.

Nhắc ra thêm ghét Trụ Vương,

Ham mê Đắc Kỷ là phường bội cha.

Hết gần Điên lại nói xa,

Nói cho bá tánh biết mà người chi.

Lời lành khuyên hãy gắn ghi.

310   Dương trần phải rán tu trì sớm khuya.

Đừng ham làm chức nắc nia,

Ngày sau như khóa không chìa dân ôi!

Tu hành như thể thả trôi,

Nay lở mai bồi chẳng có thiềng tâm.

Mưu sâu thì họa cũng thâm,

Ngày sau sẽ biết thú cầm chỉn ghê.

Hùm beo tây tượng bộn bề,

Lại thêm ác thú mãng xà, rít to.

Bá gia ai biết thì lo,

320   Gác tai gièm siểm đôi co ích gì!

Hết đây rồi đến dị kỳ,

Sưu cao thuế nặng vậy thì thiết tha.

Dân nay như thể không cha,

Chẳng ai dạy dỗ thiệt là thảm thương.

Thứ nầy đến thứ Minh Vương,

Nơi chốn Phật đường mặt ngọc ủ ê.

Cảm thương trần hạ nhiều bề,

Bởi chưng tàn bạo khó kề Phật Tiên.

Chúng ham danh lợi điền viên,

330   Ngày sau đến việc lụy phiền suốt canh.

Kệ kinh tụng niệm đêm thanh,

Ấy là châu ngọc để dành ngày sau.

Bây giờ chưa biết vàng thau,

Đời sau kính trọng người cao tu hành.

Nam mô miệng niệm lòng lành,

Bá gia phải rán biết rành đường tu.

Thương ai ham võng ham dù,

Cũng như những kẻ đui mù đi đêm.

Khuyên đời như vá múc thêm,

340   Mảng lo tranh đoạt thù hềm với nhau.

Đến chừng có ốm có đau,

  Vang mồm niệm Phật, Phật nào chứng cho

Dương trần tiếng nhỏ tiếng to,

Nói ngỗng nói cò đây cũng làm thinh.

Tưởng rằng thân nó là vinh,

Chẳng lo tu niệm cứ ghình với Điên.

Nói ra trong dạ chẳng yên,

Bây giờ nói chuyện cỡi thuyền khuyên dân.

Đêm ngày chẳng nại tấm thân,

350   Nắng mưa chẳng quản tảo tần ai hay.

Chừng sau đến hội Rồng Mây,

Người đời mới biết Điên nầy là ai.

Lui thuyền chèo quế tay gay,

Thuyền đi nước ngược đến rày cù lao.

Xa xa chẳng biết làng nào,

Thiệt làng Long Khánh ít người nào tu.

Tớ Thầy liền giả đui mù,

Bèn đi ca hát kiếm xu dương trần.

Bá gia tựu lại rần rần,

360 Trong nửa ngày trần chẳng có đồng chi

Nực cười trần hạ một khi,

Ở một đêm thì sáng lại qua sông.

Bình minh vừa buổi chợ đông,

Bày trò bán thuốc hát ròng đời nay.

Cho thiên hạ tựu đông vầy,

Rồi mới ra bài hát việc Thiên cơ.

Tới đây bá tánh làm ngơ,

Buồn cho lê thứ kịp giờ ra đi.

Lìa xa Hồng Ngự một khi,

370   Thẳng đường trực chỉ Điên đi Tân Thành.

Tới đây ra mặt người rành,

Nói chuyện thiệt sành thông lảu Đạo nho.

Nhiều người xúm lại đôi co,

Chê lão đưa đò mà biết việc chi.

Thấy đời động tánh từ bi,

Điên chẳng bắt tì còn mách việc xa.

Khoan khoan chơn nọ bước ra,

Giáp rạch Cả Cái rồi ra ngoài vàm.

Đoái nhìn mây nọ trắng lam,

380   Điên ra sức lực chèo chơi một giờ.

Xa nhìn sương bạc mờ mờ,

Tân An làng nọ dân nhờ bắp khoai.

Giả người bán cá bằng nay,

Dân chúng ngày rày xúm lại mua đông.

Tới lui giá cả vừa xong,

Điên cũng bằng lòng cân đủ cho dân.

Có người chẳng chịu ngang cân,

Bỏ thêm chẳng bớt mấy lần không thôi.

Nực cười trần hạ lắm ôi!

390   Giảng cho bá tánh một hồi quá lâu.

Thân già thức suốt canh thâu,

Nói cho lê thứ quày đầu mới thôi.

Nhiều người nghe hết phủi rồi,

Quày thuyền trở lại bồi hồi sầu bi.

Giả người tàn tật một khi,

Xuống vàm kinh Xáng được thì chút vui.

Một người nhà lá hẩm hui,

Mà biết đạo lý mời Cùi lên chơi.

Bàn qua kim cổ một hồi,

400   Cùi xuống giữa vời Châu Đốc thẳng xông.

Đến nơi thiên hạ còn đông,

Giả gái không chồng đi bán cau tươi.

Thấy dân ở chợ nực cười,

Xúm nhau trêu ghẹo đặng cười Gái Tơ.

Buồn đời lăng mạ ngẩn ngơ,

Biến mất lên bờ liền giả cùi đui.

Phố phường nhiều kẻ tới lui,

Thấy kẻ Đui Cùi chẳng muốn ngó ngang.

Đời nay quý trọng người sang,

410   Giả ra gây lộn nói toàn tiếng Tây.

Tây, Nam, Chà, Chệt, chú, thầy,

Nó thấy làm vầy chẳng bắt ngại nghi.

Xuống thuyền quày quả một khi,

Chèo lên Vĩnh Tế vô thì núi Sam.

Đi ngang chẳng ghé chùa am,

Xuôi dòng núi Sập đặng làm người ngu.

Xem qua đầu tóc u xù,

Cũng như người tội ở tù mới ra.

Chèo ghe rao việc gần xa,

420   Bồng Lai Tiên Cảnh ai mà đi không?

Nhiều người tâm đạo ước mong,

Nếu tôi gặp được như rồng lên mây.

Ấy là tại lịnh Phương Tây,

Cho kẻ bạo tàn kiến thấy Thần Tiên.

Có người nói xéo nói xiên,

Chú muốn kiếm tiền nói gạt bá gia.

Thoáng nghe lời nói thiết tha,

Rưng rưng nước mắt chèo về Mặc Dưng.

Tay chèo miệng cũng rao chừng,

430   Đường đi tiên cảnh ai từng biết chưa?

Khúc thời nhắc lại đời xưa,

Lúc chàng Lý Phủ đổ thừa Trọng Ngư.

Nhà anh có của tiền dư,

Sao chẳng hiền từ thương xót bá gia?

Bấy giờ gặp việc thiết tha,

Bạc vàng có cứu anh mà hay không?

Hết tây Điên lại nói đông,

Có ai thức tỉnh để lòng làm chi!

Mặc Dưng mất dạng Từ Bi,

440   Thuyền đi trở ngược về thì Vàm Nao.

Dòm xem thiên hạ lao xao,

Không ghé nhà nào cũng gọi vài câu.

Con sông nước chảy vòng cầu,

Ngày sau có việc thảm sầu thiết tha.

Chừng ấy nổi dậy phong ba,

Có con nghiệt thú nuốt mà người hung.

Đến chừng thú ấy phục tùng,

Bá gia mới biết người Khùng là ai.

Bây giờ phải chịu tiếng tai,

450   Giảng Đạo tối ngày mà chẳng ai nghe.

Đời như màn nọ bằng the,

Hãy rán đọc vè của kẻ Khùng Điên.

Khỏi vàm Điên mới quày thuyền,

Xuống miền Cao Lãnh lại phiền lòng thêm.

Tới đây ca hát ban đêm,

Ai có thù hềm chưởi mắng cũng cam.

Cho tiền cho bạc chẳng ham,

Quyết lòng dạy dỗ dương trần mà thôi.

Nghe rồi thì cũng phủi rồi,

460   Nào ai có biết đây là người chi.

Trở về Phong Mỹ một khi,

Thuyền đi một mạch tới thì Rạch Chanh.

Ghe chèo khúc quẹo khúc quanh,

Ở đây có một người lành mà thôi.

Nhắc ra tâm trí bồi hồi,

Khó đứng khôn ngồi thương xót bá gia.

Kiến Vàng làng nọ chẳng xa,

Kíp mau tới đó vậy mà thử coi.

Xứ nầy nhà cửa ít oi,

470   Mà trong dân sự nhiều người chơn tu.

Thấy người đói rách xin xu,

Ra tay cứu vớt đui mù chẳng chê.

Khỏi đây đến chỗ bộn bề,

Rõ ràng Bến Lức đã kề bên ghe.

Giả Người Tàn Tật đón xe,

Rồi lại nói vè ròng việc Thiên cơ.

Hết vè rồi lại nói thơ,

Làm cho bá tánh ngẩn ngơ trong lòng.

Thơ vè Điên đã nói xong,

480   Đi luôn Ba Cụm kẻo lòng ước mơ.

Tới đây dẹp hết vè thơ,

Giả Người Bán Mắm quá khờ quá quê.

Chợ nầy thiên hạ bộn bề,

Kẻ nhún người trề chê mắm chẳng ngon.

Bạn hàng tiếng nói quá dòn:

Giá nầy chẳng bán còn chờ chuyện chi?

Bưng thời kẻ níu người trì:

Ở đây không bán chị thì đi đâu?

Dứt lời rồi lại câu mâu,

490   Mắng: con đĩ chó khéo hầu làm khôn!

Muốn làm cho có người đồn,

Biến mất xác hồn cho chúng chỉn ghê.

Nói ra thêm thảm thêm thê,

Ông Lãnh dựa kề giả Bán Trầu Cau.

Bạn hàng xúm lại lao xao:

Ông bán giá nào nói thử nghe coi?

Trầu thời kẻ móc người moi,

Còn cau bẻ giấu thấy lòi tánh tham.

Thấy già bán rẻ nó ham,

500   Bị thêm quê dốt nó làm thẳng tay.

Ghe người biến mất bằng nay,

Cho chúng biết tài của kẻ Thần Tiên.

Bến Thành đến đó đậu liền,

Gặp hai thằng lính tra liền thuế thân.

Tớ Thầy nói chuyện cân phân:

Mới lỡ một lần xin cậu thứ tha.

Hai người tôi ở phương xa,

Bởi chưng khổ não mới là nổi trôi.

Lính nghe vừa dứt tiếng rồi,

510   Khoát nạt một hồi rồi lại bắt giam.

Thấy đời trong dạ hết ham,

Ghe người biến mất coi làm chi đây.

Tức thời Điên giả làm thầy,

Đi coi đi bói khắp trong phố phường.

Có người tu niệm đáng thương,

Điên mới chỉ đường Tịnh Độ vãng sanh.

Dạo cùng khắp cả Sài Thành,

Khi ca khi lý nói rành Thiên cơ.

Bá gia bá tánh làm ngơ,

520 Tưởng như những kẻ nói thơ kiếm tiền.

Văn minh trọng bạc trọng tiền,

Khôn ngoan độc ác làm phiền người xưa.

Mặc ai ghét ghét ưa ưa,

Chẳng dám nói bừa cho bá tánh nghe.

Phiền ba ngựa ngựa xe xe,

Điên giả người què Gia Định thẳng xông.

Què nầy đường xá lảu thông,

Khắp trong thiềng thị rồi thì nhà quê.

Kêu cơm bá tánh nghe ghê,

530   Thêm nói bộn bề những việc về sau.

Dương trần bàn tán thấp cao,

Chẳng biết người nào rõ việc tiên tri.

Giã từ Gia Định một khi,

Thuyền loan trực chỉ đến thì Cần Thơ.

Tới đây giả Kẻ Quá Khờ,

Vợ điên chồng lại đứng hờ một bên.

Phố phường xóm dưới đầu trên,

Cùng người đi chợ xúm nhau reo cười.

Thị thiềng hiền đức được mười,

540 Phần nhiều xúm lại chê cười người điên.

Vợ thời ca hát huyên thiên,

Chồng chẳng có tiền lại quán xin cơm.

Bá gia coi thể rác rơm,

Ai cũng sẵn hờm đặng có ghẹo chơi.

Điên mà ca hát việc đời,

Với việc hiện thời khổ não Âu Châu.

Chạy cùng chẳng sót đâu đâu,

Lòng quá thảm sầu lìa lại Vĩnh Long.

Chợ quê giảng dạy đã xong,

550   Thuyền loan trực chỉ đến rày Bến Tre.

Chợ nầy đậu tại nhà bè,

Giả Chị Bán Chè dạo khắp các nơi.

Giọng rao rặt tiếng kim thời,

Rước rước mời mời anh chị mua ăn.

Trẻ già qua lại lăng xăng,

Nói nói rằng rằng những việc bướm ong.

Gánh chè bán hết vừa xong,

Điên cũng nói ròng chuyện khổ về sau.

Nói rồi chơn bước mau mau,

560   Lìa xa thiềng thị đến thì thôn quê.

Đi đâu cũng bị nhún trề,

Kẻ lại chưởi thề nói: lũ bá vơ.

Thấy đời tai lấp mắt ngơ,

Lúc ở trên bờ khi lại đi ghe.

Dạo cùng khắp tỉnh Bến Tre,

Đủ bực thơ vè lìa lại Trà Vinh.

Tới đây bày đặt hát kình,

Đua nhau bán thuốc mặc tình mua không.

Nói ra những chuyện bông lông,

570   Trách trong lê thứ không lòng từ bi.

Gặp người đói khó khinh khi,

Điền viên sự sản ai thì làm cho.

Dạy rồi thuyền lại Mỹ Tho,

Khuyên trong trần hạ rán lo tu trì.

Xưa nay không có mấy khi,

Dương trần có Phật vậy thì xuống đây.

Chợ quê giáp hết thuyền quay,

Đi trở lộn về Ông Chưởng giảng dân.

479. Quản chi nắng Sở mưa Tần,

Chèo xuôi chèo ngược mấy lần không thôi.

Thảm thương bá tánh lắm ôi!

Bồng Lai Tiên Cảnh rao rồi một khi.

Nếu ai rảnh việc thì đi,

Còn mắc nợ thì ở lại dương gian.

Có người xưng hiệu ông Quan,

Tên thiệt Vân Trường ở dưới dinh Ông.

Thấy đời cũng bắt động lòng,

Ghé vào tệ xá thẳng xông lên nhà.

Mình người tu niệm vậy mà,

590   Nói chi lớn tiếng người mà khinh khi.

Người nhà cảm tạ một khi,

Cúng năm cắc bạc tiền đi Non Bồng.

Xuống thuyền xuôi nước thẳng xông,

Ghé nhà chủ Phối xem lòng Đạo Ba.

Ngồi chơi đạo lý bàn qua,

Mấy bà có biết lúa mà bay không?

Có người đạo lý hơi thông,

Xin Ông bày tỏ cho tôi hiểu rày.

Điên nghe liền mới tỏ bày:

600   Lúa bay về núi dành rày ngày sau.

Hỏi qua tu niệm âm hao,

Không biết câu nào trái ý Đạo Ba.

Buồn đời Điên mới bước ra,

Tay gay chèo quế dạo thì khắp nơi.

Đi hoài chẳng có nghỉ ngơi,

Miệng cũng rao mời Tiên cảnh Bồng Lai.

Có người xuống bến bằng nay,

Mách chơi ít tiếng người rày mạng vong.

Nhà ngươi thiệt chẳng có lòng:

610   Đòi đã hai lần sao chẳng chịu đi?

Thương đời ta luống sầu bi,

 Đò đi tới chốn ăn thì bao nhiêu?

Điên rằng tôi chẳng ham nhiều,

Bao nhiêu tự ý cho nhiều chẳng ham.

Điên nầy bụng chẳng có tham,

Ghe đã chở đầy chật nứt trong mui.

Già đây cũng chở cầu vui,

Vậy chú hãy ngồi ngay chỗ sau đây.

Thấy người lòng dạ tà tây:

620    Thân tôi làm vầy ông chẳng cho vô?

Trong mui đã mát lại khô,

Tôi có đủ tiền mà trả cho ông.

Trong mui dòm thấy trống không,

Bước nhầu vào đó máu hồng trào ra.

Cho người hung bạo biết Ta,

Thuyền Người biến mất vậy mà còn chi.

Trở lên Chợ Mới một khi,

Chèo lên chèo xuống vậy thì cũng rao.

Năm xưa đây có máu đào,

630   Mà nay chưa có người nào chơn tu.

Nào Điên có muốn kiếm xu,

Mà trong trần hạ đui mù không hay.

Hỏi ông người ở đâu rày,

Trả lời rằng ở Non cày Vua Nghiêu.

Tới đây trong dạ buồn hiu,

Bỏ ghe Điên cũng đánh liều chưa thôi.

Giả ra một Kẻ Hàn Nồi,

Khắp trong hàng xóm đi rồi sạch trơn.

Tới đâu cũng tỏ thiệt hơn,

640   Nhà tôi vốn thiệt có đờn năm dây.

Tôi còn mắc cái nợ nầy,

Nên mới làm vầy cho giải quả căn.

Nhà tôi đâu phải khó khăn,

Đem theo trong xách bạc hằng tám mươi.

Nhiều người nghe nói reo cười,

Thân tôi lao lý anh cười tôi chi?

Giã từ Chợ Mới một khi,

Thuyền đi xuôi ngược đến thì Ba Răng.

Ít ai biết được đạo hằng,

650   Ghé am thầy pháp nói rằng lỡ chơn.

Trước sau bày tỏ nguồn cơn,

Vì thương lê thứ chi sờn lòng Đây.

Có người lối xóm muốn gây,

Xin sáu trái bắp liền quày xuống ghe.

Ghe Điên vốn thiệt ghe be,

Mà lại Điên nhè nước ngược thẳng xông.

Ra oai thuyền chạy như dông,

Người nhà xuống bến trong lòng ngại nghi.

Ông nầy chẳng biết người chi,

660   Chèo quế vậy thì mạnh bạo quá tay.

Thần Tiên mà chẳng ai hay,

Cứ biếm nhẻ hoài buồn dạ Người Xưa.

Đời nay mỏng tựa màn thưa,

Khuyên trong lê thứ chẳng thừa một câu.

Thân nầy chẳng nệ mau lâu,

Miễn cho bá tánh gặp chầu vinh huê.

Thương trong trần hạ thảm thê,

Lao khổ nhiều bề chớ chẳng còn vui,

Nhiều người nghèo khổ hẩm hui,

670   Không đất cặm dùi mà chẳng ai thương.

Con thuyền đương lướt gió sương,

Bỗng nghe tiếng khóc tư lương ai hoài.

Có người ở xóm bằng nay,

Bị mất trộm rày đồ đạc sạch trơn.

Du thần bày tỏ nguồn cơn:

Rằng người nghèo khó đương hờn phận duyên.

Điên nghe vội vã quày thuyền,

Dùng khoa coi bói giải phiền phàm nhơn.

Coi rồi bày tỏ thiệt hơn,

680 Khuyên cô đừng giận đừng hờn làm chi.

Rồi đi dạo xóm một khi,

Đi lên nhà thì giã gạo mà chơi.

Vào nhà nói chuyện một hơi,

Gặp người bán thuốc cũng thời ghé vô:

  Mua một ve uống hỡi cô,

Uống vô bổ khoẻ trị nhiều chứng phong.

Uống thì pha nước nóng trong,

Chớ đừng pha rượu nó hòng kỵ thai.

Hai thằng ở xóm bằng nay,

690   Nó nói ngày rày thuốc chẳng có hay.

Người cha đi lại thấy rầy:

 Thiệt mấy đứa nầy cãi cọ làm chi.

Bước ra nhà nọ một khi,

Đi lên đi xuống kiếm thì xe lôi.

Gặp xe chẳng có lên ngồi,

Chạy trước đi rồi ngừng lại chỗ kia.

Xóm nầy kẻ ghét người ưa,

Ghé vào nhà nọ nhổ bừa cái răng.

Nhổ rồi lui tới lăng xăng,

700   Liền bước xuống thuyền Thầy Tớ thả trôi.

Vàm Nao rày đã đến rồi,

Quày thuyền ghé lại bằng nay Chợ Đình.

Hát hai câu hát huê tình,

Đậu xem dân chúng Chợ Đình làm sao.

Sáng ngày chợ nhóm lao xao,

Giả Bận Áo Màu ai cũng dòm xem.

Mấy thằng trai trẻ thấy thèm,

Đứng xa quanh quẩn nói gièm với nhau.

Đứa nầy nói để cho tao,

710   Đứa kia xạo xự áo màu quá ngon.

Nhắc ra động tấm lòng son,

Buồn cho lê thứ sao còn ham vui.

Ở đây một buổi ghe lui,

Về trên Bảy Núi ngùi ngùi thương dân.

Thầy Trò chẳng nại tấm thân,

Rảo khắp Non Tần bận nữa thử coi.

Chơn tu thì quá ít oi,

Nhiều người ẩn sĩ quá lòi tánh tham.

Đi lần ra đến núi Sam,

720   Đến nơi rảo khắp chùa am của người.

Dạy rồi bắt quá tức cười,

Thầy tu nhiều kẻ biếng lười quá tay.

Trẻ già biến hóa ai hay,

Dạo trong Bảy Núi chẳng nài công lao.

Rú rừng lúc thấp lúc cao,

Giả ra Nghèo Khó vào nhiều am vân.

Tu hành nhiều kẻ tham sân,

Làm sao cho đặng mau gần Phật Tiên.

Ai ai cũng cứ ham tiền,

730   Ấy là đem sợi xích xiềng trói thân.

Lìa xa Bảy Núi lần lần,

Xuống thuyền trực chỉ lên gần Hà Tiên.

Đến đây giả Kẻ Không Tiền,

Rảo khắp thị thiềng xin xỏ bá gia.

Đi rồi cũng quá thiết tha,

Trở về non cũ đặng mà dạo chơi.

Non Tiên gió mát thảnh thơi,

Nhưng nhớ việc đời lụy ngọc nhỏ sa.

Xuống trần lúc hát lúc ca,

740   Mà trong lê thứ có mà biết chi.

Nam mô hai chữ từ bi,

Trần hạ nói gì đây cũng làm thinh.

Tu thời nhàn hạ thân mình,

Phần Điên khuyên nhủ mặc tình ghét ưa.

Thiên cơ ai dám nói thừa,

Mà trong bá tánh chẳng ưa Điên Khùng.

Xuống thuyền chèo quế thung dung,

Đi dạy đủ chỗ khắp cùng thử coi.

Rạch Giá chợ nọ thoi loi,

750   Gần nơi ven biển cá mòi nhiều hơn.

Tới đây giả Kẻ Có Cơn,

Khi say khi tỉnh lúc hờn số căn.

Dương trần đi lại lăng xăng,

Chê chê nhạo nhạo cười rằng quân điên.

Ở đâu mà tới thị thiềng,

Lính chẳng bắt xiềng nó lại bót đi.

Lòng thương vì tánh từ bi,

Dạy dỗ chuyện cùng mà chẳng ai nghe.

Dạy rồi Điên lại xuống ghe,

760   Long Xuyên, Sa Đéc nói ròng vè thơ.

Vợ chồng nghèo khổ bơ vơ,

Ở nơi giữa chợ lại khờ lại quê.

Buồn trong lê thứ ủ ê,

Sóc Trăng chợ ấy thuyền kề đến nơi.

Đến đâu thì cũng tả tơi,

Nói rõ việc đời sắp khổ sắp lao.

Thị thiềng thiên hạ lao xao,

Chẳng có người nào tu niệm hiền lương.

Thấy trong trần hạ thảm thương,

770   Đâu có biết đường chơn chánh mà đi.

Lìa xa đô thị một khi,

Thuyền loan trực chỉ đến thì Bạc Liêu.

Chợ nầy tàn ác quá nhiều,

Phố phường dân Thổ dân Tiều nhiều hơn.

Đi cùng thành thị ráo trơn,

Cà Mau đến đó thiệt hơn tỏ bày.

Cho trong bá tánh chợ nầy,

Rõ việc dẫy đầy lao lý về sau.

Đường đi lao khổ sá bao,

780   Miễn cho trần hạ biết vào đường tu.

Tu hành đâu có tốn xu,

Mà sau thoát khỏi lao tù thế gian.

Thầy Trò lắm cảnh gian nan,

Chừng nào hết khổ mới an tấm lòng.

Đằng vân đến tỉnh Gò Công,

Vì thương dân thứ mới hòng đến đây.

Xưa kia bão lụt tỉnh nầy,

Mà sau cảnh khổ xứ nầy gần hơn.

Yêu dân lòng nọ chẳng sờn,

790   Thầy hát Tớ đờn dạy cũng khắp nơi.

Khỏi đây Bà Rịa tách vời,

Đến đó vậy thời trời mới sáng ra.

Chợ nầy đông đúc người ta,

Nhiều đuông chà là lại với nho tươi.

Đến đây Thầy Tớ hóa mười,

Nói nói cười cười bán thuốc Sơn Đông.

Ai ai đều cũng ngóng trông,

Coi lũ khách nầy hát thuật làm sao.

Hát mà trong bụng xáo xào,

800   Nói chuyện bên Tàu máu đổ tuôn rơi.

Cả kêu dân chúng hỡi ôi!

Sao không thức tỉnh việc đời gần bên.

Khổ đà đi đến như tên,

Rán lo tu niệm tìm nền vinh hoa.

Vinh nầy của Đức Phật Bà,

Của Ông Phật Tổ ban mà cho dân.

Tu cho nhàn toại tấm thân,

Đừng làm tàn ác xa lần Tiên bang.

Hát kêu bớ kẻ giàu sang,

810   Rán lo làm phước làm doan mới là.

Đến lâm cảnh khổ có Ta,

Với lịnh Phật Bà cứu vớt giùm cho.

Tu hành phải rán trì mò,

Gặp Lão Đưa Đò đừng có khinh khi.

Dạy rồi Thầy Tớ liền đi,

Biên Hòa đến đó vậy thì xem qua.

Đến đây dạy dỗ gần xa,

Khuyên trong bá tánh vậy mà tỉnh tâm.

Ngày nay gặp Bạn Tri Âm,

820   Rán mà trì chí đặng tầm huyền cơ.

Tân An dạy dỗ kịp giờ,

Chẳng dám chần chờ đi thẳng Tây Ninh.

Tới đây vừa lúc bình minh,

Điên ra sức giảng mặc tình nghe không.

Giảng rồi Dầu Một thẳng xông,

Thiềng thị giáp vòng thứ chót là đây.

Thương dân giảng dạy dẫy đầy,

Rảo khắp tối ngày chẳng có nghỉ chơn.

Nhiều người hung ác quá chừng,

830   Không biết đời khổ lo mừng lo vui.

Nhắc ra dạ nọ nào nguôi,

Từ đây Lục Tỉnh đui cùi thiếu chi.

Nói mà trong dạ sầu bi,

Bá gia chậm chậm khinh khi Điên nầy.

Đừng ham nói nọ nói nầy,

Lặng yên coi thử Điên nầy là ai.

Cảm thương Ông Lão Bán Khoai,

Vì yêu dân chúng chẳng nài nắng mưa.

Câu nầy nhắc chuyện năm xưa,

840   Khuyên trong trần hạ hãy chừa lòng tham.

Khùng thời quê ngụ núi Sam,

Còn Điên chẳng có chùa am dưới nầy.

Vua Nghiêu xưa mở đất cày,

Ngày nay nhường lại cảnh nầy cho Điên.

Xuống trần dạy dỗ huyên thiên,

Dạy rồi thì lại thảm phiền nhiều hơn.

Cầu xin Phật Tổ ra ơn,

Lời Điên khuyên nhủ như đờn Bá Nha.

Thị thiềng khắp hết gần xa,

850   Từ đây sắp đến quê nhà Điên đi.

Đừng thấy ngu dại mà khi,

Thầy thì Huệ Lựu, Tớ thì Huệ Tâm.

Đời cùng còn chẳng mấy năm,

Khắp trong các nước thây nằm bằng non.

Cha thì chẳng thấy mặt con,

Vợ thì chồng chẳng được còn tại gia.

Khuyên trong lê thứ trẻ già,

Tu hành hiền đức Phật mà cứu cho.

Ấy là quí báu thơm tho,

860   Đừng ham gây gổ nhỏ to làm gì.

Con thì ăn ở nhu mì,

Học theo luân lý kính vì mẹ cha.

Sau nầy sấu bắt hùm tha,

Xử người tàn bạo vậy mà tại đây.

Đời xưa quả báo thì chầy,

Đời nay quả báo một giây nhãn tiền.

Dương trần phải rán làm hiền,

Đừng trọng bạc tiền bỏ nghĩa bỏ nhân.

Người hung phải sửa cái thân,

870   Từ đây có kẻ Du Thần xét soi.

Chuyện người chớ móc chớ moi,

Hãy treo gương thiện mà soi lấy mình.

Ai thương ai ghét mặc tình,

Phận mình cứ giữ tâm mình cho ngay.

Điên đây vưng lịnh Phương Tây,

Hầu hạ bên Thầy đặng cứu bá gia.

Thấy đời lòng dạ tây tà,

Cứ theo chế nhạo cười mà người Điên.

Ngồi buồn kể chuyện huyên thiên,

880   Chẳng có ham tiền cũng bị ghét vơ.

Viết cho bá tánh ít tờ,

Đi làm ruộng rẫy bỏ hờ theo xem.

Thương người nghèo khổ lấm lem,

Thấy cảnh sung sướng nó thèm quá tay.

Ai mà biết đặng ngày mai,

Ngày nay yên tịnh ngày mai thảm sầu.

Từ rày gặp cảnh buồn rầu,

Cho người tàn bạo cứng đầu khinh khi.

Dương trần nay đáng sầu bi,

890   Nên Điên mới nói chuyện ni tỏ tường.

Đêm ngày tưởng Phật cho thường,

Phải rán lo lường kim chỉ từ đây.

Thương đời Điên mới tỏ bày,

Dạy trong trần hạ ngày rày rán nghe.

Đừng khi nhà lá chòi tre,

Nhà săng cột lớn bù xè hay ăn.

Lúc nầy Điên mắc lăng xăng,

Dương trần biết đặng đạo hằng mới thôi.

Chẳng ham cúng kiếng chè xôi,

900   Phật Trời chẳng muốn điều tồi ấy đâu.

Muốn cho dân hiểu Đạo mầu,

Chớ không có muốn chùa lầu cho cao.

Bao nhiêu cũng biết vàng thau,

Dạy khôn trần thế chớ nào dạy ngu.

Sáng ngày con chó sủa tru,

Chừng heo cắn ổ hiềm thù mới yên.

Đừng ham giành giựt của tiền,

Người hung hay gọi kẻ hiền rằng ngu.

Nay Điên chỉ rõ đường tu,

910   Ấy là đủ việc tài bù cho dân.

Thôi thôi nói riết dần lân,

912   Tới đây cũng lần ngừng lại bút nghiên.

         NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT


BỬU châu công luyện chốn non Tần,

SƠN thủy môn giang bảo giác dân.

KỲ quái chờ nơi Thiên nhứt định,

HƯƠNG nồng dành thưởng kẻ tròn ân.

(Hiệu chính:

 [1] Ghi theo ấn bản 1966: Tiếng quyển: từ cũ, tiếng du dương. Có ấn bản ghi: “Tiếng huyễn tiếng kèn mặc ý bá gia.” Huyễn: giả dối, không có thật)



QUYỂN NHÌ: 

Kệ Dân Của Người Khùng

(Ðây là quyển thứ nhì mà Ðức Thầy đã viết ngày 12 tháng 9 năm Kỷ Mão 1939 tại Hòa Hảo, dài 476 câu)

 🕮

Ngồi KHÙNG trí đoái nhìn cuộc thế

Thấy dân mang sưu thuế mà thương.

Chẳng qua là Nam Việt vô vương,

Nên tai ách xảy ra thảm thiết.

Bạc không cánh đổi thay chẳng biết,

Vàng bị nghèo mấy chiếc chẳng còn.

Mới mấy năm sao quá hao mòn,

Mùa màng thất, đói đau không thuốc.

Thương hại bấy lê dân đứt ruột,

010    Thảm vợ con đói rách đùm đeo.

Gẫm chữ nghèo thường mắc chữ eo,

Thêm gạo lúa lại tăng giá mắc.

Nhìn cuộc thế đổi thay quá gắt,

Máy Thiên cơ mỗi phút mỗi thay.

Nẻo thạnh suy như thể tên bay,

Đường vinh nhục rủi may một lát.

Ai phú quí vào đài ra các,

Ta Điên Khùng thương hết thế trần.

Khuyên chúng sanh chẳng biết mấy lần,

020    Nào ai có tỉnh tâm tìm Đạo.

Trai trung liệt đáng trai hiền thảo,

Gái tiết trinh mới gái Nam trào.

Lời Thánh Hiền để lại biết bao,

Sao trai gái chẳng coi mà sửa?

Đời tận thế mà còn lần lựa,

Chẳng chịu mau cải dữ về lành.

Làm Phật Nhi phải được lòng thành,

Thì mới đặng vãng sanh Cực Lạc.

Tương với muối cháo rau đạm bạc,

030    Nghèo lương hiền biết niệm Di Đà.

Mà mai sau thoát khỏi tinh ma,

Lại được thấy cảnh Tiên nhàn hạ.

Trên Bảy Núi còn nhiều báu lạ,

Rán tu tâm dưỡng tánh coi đời.

Coi là coi được Phật được Trời,

Coi phép lạ của Tiên của Thánh.

Cuộc dương thế ngày nay mỏng mảnh,

Mà sang giàu còn hiếp nghèo nàn.

Phải xả thân tầm Bát Nhã thoàn,

040     Sau mới khỏi hùm tha sấu bắt.

Đến chừng đó bốn phương có giặc,

Khắp hoàn cầu thiết thiết tha tha.

Vậy sớm mau kiếm chữ Ma Ha,

Thì Phật cứu khỏi nơi khói lửa.

Tưởng nhớ Phật như ăn cơm bữa,

Vọng Cửu Huyền sớm tối mới mầu.

Chữ Nam Mô dẹp được lòng sầu,

Sau thấy được nhà Tiên cửa Thánh.

Ghét những đứa giàu sang kiêu hãnh,

050    Thương những người đói rách cơ hàn.

Cảnh phồn hoa khó sánh lâm san,

Sau sẽ có nhiều điều vinh hạnh.

Cõi trần thế hết suy tới thạnh,

Hết lâm nguy đến lúc khải hoàn.

Tuy tu hành chịu chữ nghèo nàn,

Sau đắc đạo gặp điều cao quí.

Mặc bá tánh đời nầy dị nghị,

Ta Điên Khùng mà tánh lương hiền.

Lòng yêu dân chẳng trọng bạc tiền,

060   Mà dương thế cứ theo biếm nhẻ.

Sau lập Hội thì già hóa trẻ,

Khắp hoàn cầu đổi xác thay hồn.

Đức Ngọc Hoàng mở cửa thiên môn,

Đặng ban thưởng Phật Tiên với Thánh.

Khuyên trai gái học theo Khổng Mạnh,

Sách Thánh Hiền dạy Đạo làm người.

Xem truyện thơ chẳng biết hổ ngươi,

Mà làm thói Điêu Thuyền, Lữ Bố.

Sau kẻ ấy làm mồi mãnh hổ,

070    Cảnh Núi Non nhiều thú dị kỳ.

Nó trọng ai hiền đức nhu mì,

Sát phạt kẻ bội cha phản chúa.

Đến chừng đó thiên la lưới bủa,

Mới biết rằng Trời Phật công bằng.

Nếu dương trần sớm biết ăn năn,

Làm hiền đức khỏi đường lao lý.

Học tả đạo làm điều tà mị,

Theo dị đoan cúng kiếng tinh tà.

Thì sau nầy gặp chuyện thiết tha,

080    Đừng có trách Khùng Điên chẳng cứu.

Thấy bá tánh nghinh tân yểm cựu,

Học ai mà ngang ngược nhiều lời.

Phụ mẹ cha khinh dể Phật Trời.

Chẳng có kể công sanh dưỡng dục.

Thương lê thứ bày tường trong đục,

Mặc ý ai nghe phải thì làm.

Lời của người di tịch Núi Sam,

Chớ chẳng phải bày điều huyễn hoặc.

Cảnh Thiên Trước thơm tho nồng nặc,

090    Chẳng ở yên còn xuống phàm trần.

Ấy vì thương trăm họ vạn dân,

Nên chẳng kể tấm thân lao khổ.

Giả Quê Dốt khuyên người tỉnh ngộ,

Giả Bán Buôn thức giấc người đời.

Rằng ngày nay có Phật có Trời,

Kẻo dân thứ nhiều người kiêu ngạo.

Xuống mượn xác nhằm năm Kỷ Mão,

Buồn xóm làng cứ ghét Điên Khùng.

Nếu trẻ già ai biết thì dùng,

100    Chẳng có ép có nài bá tánh.

Nghe Điên dạy sau nầy thơi thảnh,

Đây chỉ đường Cực Lạc vãng sanh.

Đừng có ham lên mặt hùng anh,

Sa địa ngục uổng thân uổng kiếp.

Theo đạo lý nhứt tâm mới kịp,

Ngày nay đà gặp dịp tu hành.

Niệm Di Đà rán niệm cho rành,

Thì mới được sống coi Tiên Thánh.

Đức Minh Chúa chẳng ai dám sánh,

110    Xưa mạt Thương phụng gáy non Kỳ.

Bởi Võ Vương đáng bực tu mi,

Nay trở lại khác nào đời trước.

Kẻ gian ác bị gươm ba thước,

Nơi pháp tràng trị kẻ hung đồ.

Được thảnh thơi nhờ chữ Nam Mô,

Khuyên bổn đạo rán mà trì chí.

Xưa Tây Bá thất niên Dũ Lý,

Huống chi ta sao khỏi tiếng đời.

Dòm biển trần cảnh khổ vơi vơi,

120    Lao với khổ, khổ lao chẳng xiết.

Ghét bạo chúa là xưa Trụ Kiệt,

Mất cơ đồ lại bị lửa thiêu.

Thương Minh Vương bắt chước Thuấn Nghiêu,

Lòng hiền đức nào ai có biết.

Thương trần thế kể sao cho xiết,

Mượn xác trần bút tả ít hàng.

Kể rõ ràng những việc lầm than,

Mặc làng xóm muốn nghe thì chép.

Việc tu tỉnh Khùng không có ép,

130    Cho giấy vàng Điên chẳng có nài.

Lòng yêu dân chẳng nệ vắn dài,

Cho bổn đạo giải khuây niệm Phật.

Việc xảy đến Đây truyền sự thật,

Ấy là lời của Phật giáo khuyên.

Rán nghe lời của kẻ Khùng Điên,

Phật, Tiên, Thánh hãy nên trọng kỉnh.

Bịnh ôn dịch cũng đừng mời thỉnh,

Cõi ngũ hành chẳng khá réo kêu.

Hãy gìn lòng chớ khá dệt thêu,

140    Nói xiên xỏ cũng không no béo.

Đời Nguơn Hạ ngày nay mỏng mẻo,

Khuyên thế trần hãy rán kiêng dè.

Mặc tình ai lên ngựa xuống xe,

Ta chẳng có ham nơi phú quí.

Trong bổn đạo từ nay kim chỉ,

Đói với nghèo sắp đến bây giờ.

Vì thương đời nên Lão kể sơ,

Cho bá tánh rõ lời châu ngọc.

Nước Nam Việt ai là thằng ngốc,

150    Người đời nay như ốc mượn hồn.

Chim tìm cây mới gọi chim khôn,

Người hiền đức mới là người trí.

Theo Phật Giáo sau nầy cao quí,

Được nhìn xem Ngọc Đế xử phân.

Lại dựa kề Bệ Ngọc Các Lân,

Cảnh phú quí nhờ ơn Phật Tổ.

Thấy bá tánh nhiều điều tai khổ,

Khùng thương dân nên phải hết lời.

Dạo Lục Châu chẳng có nghỉ ngơi,

160    Mà lê thứ nào đâu có biết.

Dạy Đạo chánh vì thương Nam Việt,

Ở Cao Miên vì mến Tần Hoàng.

Trở về Nam đặng có sửa sang,

Cho thiện tín đuợc rành chơn lý.

Trong Sáu Tỉnh nhiều điều tà mị,

Tu hành mà vị kỷ quá chừng.

Thì làm sao thoát khỏi trầm luân,

Khuyên bổn đạo rán tầm nẻo chánh.

Chừng lập Hội xác thân mới rảnh,

170    Nếu không thời khó thấy Phật Trời.

Khùng dạy dân chẳng dám nghỉ ngơi,

Đi chẳng kể tấm thân già cả.

Cảnh trần thế mặc ai thong thả,

Chớ lòng ta chẳng đắm hồng trần.

Có thân thì rán giữ lấy thân,

Để đến việc ăn năn chẳng kịp.

Yêu những kẻ tâm đầu ý hiệp,

Mến những ai biết kiếm Đạo mầu.

Cảnh Tây Thiên báu ngọc đầy lầu,

180    Rán tu tỉnh tìm nơi an dưỡng.

Kẻ hiền đức sau nầy được hưởng,

Phép Thần Linh của Đức Di Đà.

Lại được thêm thoát khỏi Ta Bà,

Khỏi luân chuyển trong vòng Lục Đạo.

Đức Diêm Chúa yêu người hiền thảo,

Trọng những ai biết niệm Di Đà.

Lại được gần Bệ Ngọc Long Xa,

Coi chư quốc tranh giành châu báu.

Trai nhỏ tuổi kính thành trưởng lão,

190    Gái bé thơ biết trọng tuổi già.

Rán tỉnh tâm dẹp được lòng tà,

Thì được thấy Phật, Tiên, Thần, Thánh.

Việc hung dữ hãy nên xa lánh,

Theo gương hiền trau sửa làm người.

Sau tà tinh ăn sống nuốt tươi,

Mà bá tánh chẳng lo cải thiện.

Miệng dương thế hay bày nói huyễn,

Sách Thánh Hiền ghét kẻ nhiều lời.

Khuyên chúng sanh niệm Phật coi đời,

200    Cõi Hạ Giái rồng mây chơi giỡn.

Ở chòm xóm đừng cho nhơ bợn,

Rán giữ gìn phong hóa nước nhà.

Câu Tam tùng bọn gái nước ta,

Chữ hiếu nghĩa trẻ trai cho vẹn.

Ghét những kẻ có ăn bỏn sẻn,

Thương những người đói rách lương hiền.

Muốn tu hành thì phải cần chuyên,

Tưởng nhớ Phật chớ nên sái buổi,

Kẻ phú quí đừng vong cơm nguội.

210    Sau đói lòng chẳng có mà dùng.

Ta yêu đời than thở chẳng cùng,

Mà bá tánh chẳng theo học hỏi.

A Di Đà nhìn xem khắp cõi,

Đặng trông chờ mong mỏi chúng sanh.

Hiện hào quang ngũ sắc hiền lành,

Đặng tìm kiếm những người hiền đức.

Kẻ tâm trí mau mau tỉnh thức,

Kiếm Đạo mầu đặng có hưởng nhờ.

Chốn hồng trần nhiều cảnh nhuốc nhơ,

220    Rán hiểu rõ huyền cơ mà tránh.

Chốn tửu điếm ta nên xa lánh,

Tứ đổ tường đừng có nhiễm vào.

Người tránh xa mới gọi trí cao,

Sa bốn vách mang điều nhơ nhuốc.

Muốn tu tỉnh nay đà gặp cuộc,

Đức Di Đà truyền mở Đạo lành.

Bởi vì Ngài thương xót chúng sanh,

Ra sắc lịnh bảo Ta truyền dạy.

Nên khổ lao Khùng không có nại,

230    Miễn cho đời hiểu đặng Đạo mầu.

Ai muốn tầm Đạo cả cao sâu,

Thì hãy dẹp tánh tình ích kỷ.

Mau trở lại đừng theo tà quỉ,

Tham, Sân, Si chớ để trong lòng.

Phải giữ lòng cho được sạch trong,

Mới thoát khỏi trong vòng bịnh khổ.

Lớp đau chết kể thôi vô số,

Thêm tà ma yêu quái chật đường.

Chốn hồng trần nhiều nỗi thảm thương,

240    Làm sao cứu những người hung ác.

Khắp thế giới cửa nhà tan nát,

Cùng xóm làng thưa thớt quạnh hiu.

Bấy lâu nay nuôi dưỡng chắt chiu,

Nay tận diệt lập đời trở lại.

Khắp lê thứ biến di thương hải,

Dùng phép mầu lập lại Thượng Nguơn.

Việc Thiên Cơ Khùng tỏ hết trơn,

Cho trần hạ tường nơi lao lý.

Lão nào có bày điều ma mị,

250    Mà gạt lường bổn đạo chúng sanh.

Đức Minh Vương ngự chốn Nam Thành,

Đặng phân xử những người bội nghĩa.

Trung với hiếu ta nên trau trỉa,

Hiền với lương bổn đạo rèn lòng.

Thường nguyện cầu siêu độ Tổ Tông,

Với bá tánh vạn dân vô sự.

Đời Nguơn Hạ nhiều người hung dữ,

Nên xảy ra lắm sự tai ương.

Đức Di Đà xem thấy xót thương,

260    Sai chư Phật xuống miền dương thế.

Tu kíp kíp nếu không quá trễ,

Chừng đối đầu khó kiếm Điên Khùng.

Cứu lương hiền chẳng cứu người hung,

Kẻ gian ác đến sau tiêu diệt.

Nay trở lại như đời Trụ Kiệt,

Hãy tu nhơn chớ có tranh giành.

Tuy nghèo hèn mà chí cao thanh,

Được hồi phục nhờ ơn chư Phật.

Hãy thương xót những người tàn tật,

270    Thấy nghèo hèn chớ khá khinh cười.

Trên Năm Non rồng phụng tốt tươi,

Miền Bảy Núi mà sau báu quí.

Mặc trai gái trẻ già có nghĩ,

Thì khoan cười tôi rất cám ơn.

Khùng ra đời truyền dạy thiệt hơn,

Chư bổn đạo chớ nên khinh rẻ.

Nay Khùng đã hết già hóa trẻ,

Nên giữa đồng bỗng lại có sông.

Ở Tây Phương chư Phật ngóng trông,

280    Chờ bá tánh rủ nhau niệm Phật.

Làm nhơn ái ắt tiêu bệnh tật,

Vậy hãy mau tầm Đạo Thích Ca.

Phật tại tâm chớ có đâu xa,

Mà tìm kiếm ở trên Non Núi.

Chúng đục đẽo những cây với củi,

Đắp xi măng sơn phết đặt tên.

Ngục A Tỳ dựa kế một bên,

Chờ những kẻ tu hành giả dối.

Khuyên sư vãi mau mau cải hối,

290    Làm vô vi chánh Đạo mới mầu.

Đạo Thích Ca nhiều nẻo cao sâu,

Hãy tìm kiếm cái không mới có.

Ngôi Tam Bảo hãy thờ Trần Đỏ,

Tạo làm chi những cốt với hình.

Khùng nói cho già trẻ làm tin,

Theo Lục Tổ chớ theo Thần Tú.

Khuyên bổn đạo chớ nên mê ngủ,

Thức dậy tìm Đạo chánh của Khùng.

Đặng sau xem liệt quốc tranh hùng,

300    Được sanh sống nhờ ơn Chín Bệ.

Hóa phép lạ biết bao mà kể,

Chín từng mây nhạc trổi tiêu thiều.

Kẻ tà gian sau bị lửa thiêu,

Người tu niệm sống đời thượng cổ.

Khùng vưng lịnh Tây Phương Phật Tổ,

Nên giáo truyền khắp cả Nam Kỳ.

Hội Long Hoa chọn kẻ tu mi,

Người hiền đức đặng phò chơn Chúa.

Khuyên những kẻ giàu sang có của,

310    Hãy mở lòng thương xót dân nghèo.

Cảnh vinh hoa lại quá cheo leo,

Nhà giàu có sau nhiều tai ách.

Hỡi bá tánh rừng sâu có mạch,

Tuy u minh mà có đền vàng.

Lịnh Quan Âm dạy biểu Khùng troàn,

Cho bổn đạo rõ nguồn chơn lý.

Lũ thầy đám hay bày trò khỉ,

Mượn kinh luân tụng mướn lấy tiền.

Chốn Diêm Đình ghi tội liên miên,

320     Mà tăng chúng nào đâu có rõ.

Theo Thần Tú tạo nhiều chuông mõ,

Từ xưa nay có mấy ai thành?

Phật từ bi độ tử độ sanh,

Là độ kẻ hiền lương nhơn ái.

Xá với phướn là trò kỳ quái,

Làm trai đàn che miệng thế gian.

Kẻ vinh hoa phú quí giàu sang,

Mướn tăng chúng đặng làm chữ hiếu.

Thương bá tánh vì không rõ hiểu,

330    Tưởng vậy là nhơn nghĩa vẹn tròn.

Thấy lạc lầm Đây động lòng son,

Khuyên bổn đạo hãy nên tỉnh ngộ.

Ở dương thế tạo nhiều cảnh khổ,

Xuống huỳnh tuyền Địa Ngục khảo hình.

Tuy lưới Trời thưa rộng thinh thinh,

Chớ chẳng lọt những người hung ác.

Khi nhắm mắt hồn lìa khỏi xác,

Quỉ Vô Thường dắt xuống Diêm Đình.

Sổ sách kia tội phước đinh ninh,

340    Phạt với thưởng hai đường tỏ rõ.

Tìm Cực Lạc, Đây rành đường ngõ,

Hãy mau mau tu tỉnh mới mầu.

Tận thế gian còn có bao lâu,

Mà chẳng chịu làm tròn nhân đạo.

Kẻ nghèo khó hụt tiền thiếu gạo,

Mở lòng nhơn tiếp rước mới là.

Làm hiền lành hơn tụng hơ hà,

Hãy tưởng Phật hay hơn ó ré.

Đã chánh Đạo thêm còn sức khỏe,

350    Đặng nuôi cha dưỡng mẹ cho tròn.

Vẹn mười ơn mới đạo làm con,

Lúc sanh sống chớ nên phụ bạc.

Nếu làm đám được về Cực Lạc,

Thì giàu sang được trọn hai bề.

Ỷ tước quyền làm ác ê hề,

Khi bỏ xác nhiều tiền lo lót.

Kinh với sám tụng nghe thảnh thót,

Lũ nhưn bông tập luyện đã rành.

Đẩu với đờn, kèn, trống, nhịp sanh,

360    Làm ăn rập đặng đòi cao giá.

Tâm trần tục còn phân nhơn ngã,

Thì làm sao thoát khỏi luân hồi.

Những giấy tiền vàng bạc cũng thôi,

Chớ có đốt tốn tiền vô lý.

Xưa Thần Tú bày điều tà mị,

Mà dắt dìu bá tánh đời Đường.

Thấy chúng sanh lầm lạc đáng thương,

Cõi Âm Phủ đâu ăn của hối.

Đúc Phật lớn chùa cao bối rối,

370    Mà làm cho Phật Giáo suy đồi.

Tu Vô Vi chớ cúng chè xôi,

Phật chẳng muốn chúng sanh lo lót.

Tăng với chúng ưa ăn đồ ngọt,

Nên bày ra cúng kiếng hoài hoài.

Ỷ nhiều tiền chẳng biết thương ai,

Cúng với lạy khó trừ cho đặng.

Kẻ nghèo khó tu hành ngay thẳng,

Không cầu siêu Phật bỏ hay sao?

Lập trai đàn chạy chọt lao xao,

380    Bôi lem mặt làm tuồng hát Phật.

Nay nhằm lúc mùa màng ngập thất,

Vậy hãy mau bỏ bớt dị đoan.

Rán giữ gìn luân lý tam cang,

Tròn đức hạnh mới là báu quí.

Nay gần đến long phi xà vĩ,

Cảnh gian nan bá tánh hầu kề.

Thấy chúng sanh còn hỡi say mê,

Khùng chỉ rõ đường tà nẻo chánh.

Ta là kẻ vô hình hữu ảnh,

390   Ẩn xác phàm gìn đạoThích Ca.

Làm gian ác là quỉ là ma,

Làm chơn chánh là Tiên là Phật.

Hiếm những kẻ không nhà không đất,

Mà sang giàu chẳng xót thương giùm.

Có lỡ lầm chưởi mắng um sùm,

Thêm đánh đập khác nào con vật.

Ăn không hết lo dành lo cất,

Đem bạc trăm cúng Phật làm chi?

Phật Tây Phương vốn tánh từ bi,

400    Đâu túng thiếu mà quơ mà tởi.

Khùng cả tiếng kêu dân ơi hỡi,

Hãy giúp cho kẻ đói mới nhằm.

Đến loạn ly khổ hạnh khỏi lâm,

Còn hơn đúc chuông đồng Phật bự.

Chẳng làm phước để làm hung dữ,

Rồi vào chùa lạy Phật mà trừ.

Phật Tây Phương có lẽ hiểu dư,

Dụng tâm ý chớ không dụng vật.

Muốn bổn đạo tánh tình chơn chất,

410    Rèn lòng hiền thương xót lẫn nhau.

Kể từ rày vàng lộn với thau,

Phật, Tiên, Thánh cùng nhau xuống thế.

Cứu bá tánh không cần lễ mễ,

Để dắt dìu đạo lý rành đường.

Nước Nam Việt nhằm cõi Trung Ương,

Sau sẽ có Phật Tiên tại thế.

Khuyên sư vãi bớt dùng của thế,

Gắng công tu đặng có xem đời.

Tu thật tâm thì được thảnh thơi,

420    Tu giả dối thì lao thì lý,

Khùng khuyên hết kẻ ngu người trí,

Rán tĩnh tâm suy nghĩ Đạo mầu.

Chuyện huyền cơ bí hiểm cao sâu,

Hãy nghiệm xét hai đường tà chánh.

Các chư Phật không khi nào rảnh,

Tâm từ bi vẫn nhớ chúng sanh.

Các chư Thần tuần vãng năm canh,

Về Thượng Giái tâu qua Thượng Đế.

Sổ tội ác thì vô số kể,

430    Còn làm nhơn thì quá ít oi.

Hội công đồng xem xét hẳn hòi,

Sai chư tướng xuống răn trần thế.

Đau nhiều chứng dị kỳ khó kể,

Sắp từ nay lao khổ đến cùng.

Kẻ dương gian khó nổi thung dung,

Người bạo ác không toàn tánh mạng.

Đường đạo lý chớ nên chán nản,

Hãy bền lòng tầm Phật trong tâm.

Phật Tây Phương thiệt quá xa xăm,

440    Phải tìm kiếm ở trong não trí.

Sau đến việc sơn băng kiệt thủy,

Khùng thảm thương bá tánh quá chừng.

Nhìn xem trần nước mắt rưng rưng,

Cảnh áo não kể sao cho xiết.

Ta dạy dỗ là vì tình thiệt,

Cho bá gia rõ biết người Khùng.

Thấy dương trần làm dữ làm hung,

Nên khuyên nhủ cho người lương thiện.

Chữ Lục Tự trì tâm bất viễn,

450    Thì lâm nguy có kẻ cứu mình.

Ai lòng nhơn hoặc chép hay in,

Mà truyền bá đặng nhiều phước đức.

Trong bá tánh từ nay buồn bực,

Khùng yêu dân chỉ rõ Đạo mầu.

Rán trì tâm tưởng niệm canh thâu,

Nằm đi đứng hay ngồi chẳng chấp.

Việc biến chuyển Thiên Cơ rất gấp,

Khuyên chúng sanh hãy rán tu hành.

Cầu linh hồn cho được vãng sanh,

460    Đây chỉ rõ đường đi nước bước.

Hãy tưởng Phật đừng làm bạo ngược,

Ta phần hồn dạo khắp thế gian.

Vào xác trần nước mắt chứa chan,

Khắp lê thứ nghe lời thì ít .

Chốn sơn lãnh bây giờ mù mịt,

Cho nên dân dạy chẳng nghe lời.

Kể từ nay nói chuyện chiều mơi,

Chớ chẳng nói dông dài khó hiểu.

Cờ đã thất còn chờ nước chiếu,

470    Mà còn ăn con chốt làm chi.

Ai là người quân tử tu mi?

Phải sớm xử thân mình cho vẹn.

Chừng lập Hội khỏi thùa khỏi thẹn,

Với Phật Tiên cũng chẳng xa chi.

Lời cao siêu khuyên hãy gắn ghi,

476     Ta ra sức dắt dìu bá tánh.

   

NAM MÔ TAM GIÁO QUI NGUƠN PHỔ ĐỘ CHÚNG SANH A DI ĐÀ PHẬT


BỬU ngọc vãng lai rõ Ðạo mầu,

SƠN tầm hạnh Thích nẻo cao sâu.

KỲ giả thức tâm tìm Ðạo lý,

HƯƠNG tuyệt đăng lui bãi phục cầu.



QUYỂN  BA: SÁM GIẢNG